Hoại tử vùng mông vì tiêm silicon lỏng không rõ nguồn gốc

VietTimes -- Bà N.N.H (45 tuổi) phải tới Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108, để điều trị do bị hoại tử vùng mông rất nặng, sau khi bơm silicon tại một cơ sở thẩm mỹ.
Tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc, chị em phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân mình (Ảnh minh họa)
Tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc, chị em phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân mình (Ảnh minh họa)

Khi nhập viện, mông của bà H. trong tình trạng căng cứng, khó chịu, có vết loét. Tình trạng này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi bà H. đi làm đẹp. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị hoại tử diện rộng ở da, mô mỡ vùng tiêm, bị viêm lan tỏa bẹn đùi.

Bà H. phải trải qua một ca phẫu thuật để nạo vét khoảng 2500cc tổ chức hoại tử và dịch mủ. Mặc dù được cứu thoát khỏi tình trạng hoại tử, song theo PGS.TS. Vũ Ngọc Lâm - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình - thì mông của bà H. sẽ bị biến dạng.

Thực tế, đã có nhiều trường hợp chị em phải chịu hậu quả nặng nề từ việc làm đẹp ở các cơ sở thẩm mỹ không có uy tín, tiêm silicon lỏng hoặc chất làm đầy không rõ nguồn gốc. Các bệnh nhân đều gặp tình trạng hoại tử, mưng mủ sau khi tiêm, phải nhập viện để điều trị.

Vì sao cần tránh xa các cơ sở làm đẹp rẻ tiền, không rõ nguồn gốc?

PGS.TS. Vũ Ngọc Lâm cho biết, silicon lỏng thường được gọi là mỡ nhân tạo, trước đây thường dùng để bơm đầy các khoảng khuyết dưới da, dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ. Hàng triệu người trên thế giới đã bơm silicon lỏng để tân trang sắc đẹp.

Nhưng từ năm 1965, các nhà khoa học bắt đầu nhận ra biến chứng nguy hiểm của việc bơm silicon lỏng vào cơ thể người. Cũng thời gian đó, liên tục xuất hiện những báo cáo nghi ngờ về việc silicon lỏng gây ra các bệnh tự miễn và nhiều biến chứng khác trên những phụ nữ Nhật làm đẹp bằng chất này.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện TWQĐ 108.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện TWQĐ 108.

Tới năm 1991, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa silicon lỏng vào danh sách cấm sử dụng. Năm 1995, Bộ Y tế Việt Nam cũng cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể người.

Tuy nhiên, vì chạy theo lợi nhuận, một số cơ sở làm đẹp "chui" đã sử dụng silicon công nghiệp để dùng trên người; hoặc sử dụng silicon làm đầy không rõ xuất xứ. Silicon công nghiệp bị cấm sử dụng trên người, nhưng nay lại dùng để làm đẹp, khiến cho người sử dụng bị biến chứng tắc mạch, thậm chí gây tử vong.

Vì vậy, khi sử dụng silicon lỏng, chất làm đầy để làm đẹp, chị em cần chú ý tới thành phần, hạn sử dụng, nhà sản xuất, tránh xa các cơ sở làm đẹp chui hoặc sử dụng silicon lỏng không rõ nguồn gốc, để không phải nhận phải hậu quả đáng tiếc.

Trong trường hợp sử dụng chất làm đầy, chị em cần chú ý tới thành phần HA (Acid Hyaluronic hữu cơ). Nếu trong thành phần của chất này có silicon, chị em tuyệt đối không sử dụng. Ngoài ra, chị em cần đọc rõ thông tin về nhà sản xuất, hạn sử dụng để đảm bảo sản phẩm được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

PGS.TS. Vũ Ngọc Lâm nhấn mạnh: “Khi đi làm đẹp, chị em cần phải tỉnh táo, không nên vì ham rẻ mà chấp nhận tiêm chất làm đầy không rõ là chất gì; cũng không nghe theo lời rủ của bạn bè, người thân tới làm đẹp ở các cơ sở không có uy tín. Nếu muốn tiêm chất làm đầy để làm đẹp, nên chọn các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện. Kỹ thuật tiêm chất làm đầy yêu cầu người thực hiện phải là các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ được đào tạo và có chứng chỉ chuyên môn, được thực hiện tại cơ sở thẩm mỹ có giấy phép hành nghề”.