Họa sĩ Hiền Nguyễn đắm đuối với “nữ hoàng” sơn mài

VietTimes – Ngày 4/1, triển lãm “Ủ” với tâm huyết mười năm hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Hiền Nguyễn đã khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, thu hút công chúng yêu nghệ thuật.
Họa sĩ Hiền Nguyễn nổi tiếng là một họa sĩ cẩn trọng

Khắt khe, khắc nghiệt

Nếu sơn dầu được mệnh danh là vua thì sơn mài là biểu tượng nữ hoàng của các chất liệu mỹ thuật Việt.

Không như chất liệu nào muốn khô là phải phơi nơi khô thoáng, sơn mài muốn khô thì phải ủ trong buồng kín, thêm khay nước để hơi nước bốc lên, tạo độ ẩm.

Hơn cả lúc vẽ, hơn cả sơn mài, ủ là một công đoạn thú vị mà bí hiểm. Ủ nghĩa là bọc lấy một vật bằng năm bảy lớp lá, vải, liếp hay rơm, che chắn không để gió thổi vào, để những vi sinh có thể sinh sôi nảy nở, khiến không khí quanh chúng hừng hực, hầm hập, vì thế mà vật được ủ biến thành một chất khác, như nho thành rượu, hạt thóc nảy mầm, lá cây ải thành phân bón…

 Môt tác phẩm khổ lớn của họa sĩ Hiền Nguyễn 

Cái tính khác thường này là đặc tính của nhựa cây sơn, một loài thực vật đặc hữu Đông Nam Á, gặp hơi ẩm là nóng lên, bay cùng hơi nước, ngào tan những phần tử màu, tạo một lớp màng căng trong vắt.

Trong buồng ủ tối om, sơn mài như một thực thể sống cần nước, âm thầm biến đổi bắt đầu hành trình độc đáo của mình. Trong buồng ủ, như con ngài trong kén, sơn mài thường cần ba tháng để se mặt sơn, 6 tháng để đanh mặt then, sớm một chút là đục màu, non một chút là bệt màu.

Chỉ sơn mài truyền thống, với lớp sơn chắt chiu từ nhựa cây mới chịu ủ. Nữ họa sĩ Hiền Nguyễn đã kiên trì làm việc với mấy chục bức tranh sơn mài khổ lớn, vừa nghiền ngẫm cái ý tưởng chị đã theo đuổi cả chín tháng mười ngày, đợi lúc đưa nhát mài dứt khoát vào chỗ này hay buông lơi nhấn nhá chỗ kia.

 

Toàn bộ tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này, họa sĩ không đề tên dưới mỗi bức vẽ vì muốn công chúng hoàn toàn tập trung vào thưởng thức tranh 

Chất nghệ và chất thợ

Không sa đà vào bản năng, Hiền Nguyễn tự định hướng vẽ thành các loạt tranh có chủ đề rõ rệt: Tình yêu cuộc sống, Hạnh phúc, Giao mùa, Hóa thân, Bốn mùa, Cánh đồng vàng, Chuyến lữ hành, Thủ ấn họa, Cảm giác lạ, Đồng hoang, Cuối thu… khiến người xem sững sờ thán phục.

Trong các lao động, lao động nghệ thuật là vất vả bậc nhất bởi nó không chỉ đòi hỏi cơ bắp mà còn phải lao tâm khổ tứ, trăn trở, đam mê cháy bỏng; mà nhiều khi không thấy chút ánh sáng nào cuối đường hầm.

Vẽ sơn mài là một loại lao động như thế. Một tác phẩm sơn mài đòi hỏi rất nhiều công phu: làm vóc, vẽ, gắn trứng, rây vàng bạc, vẽ chồng nhiều lớp, ủ khô (nhiều lần), mài chi tiết, rồi lại vẽ tiếp, rồi lại nhấn, toát, đánh bóng…

Thể loại “nữ hoàng” yêu cầu sự tập trung cao độ cho từng công đoạn hết sức cầu kỳ, khó tính, khắt khe, nghiêm ngặt. “Nghề vẽ sơn mài dường như chỉ phù hợp với đàn ông sức vóc, nhưng nữ họa sĩ Hiền Nguyễn đã âm thầm đeo đuổi, đắm đuối với sơn mài hàng chục năm, để cống hiến cho công chúng những tác phẩm rực rỡ, với những gam màu lạ và kỹ thuật chồng nhiều lớp” – Họa sĩ Lê Trí Dũng đánh giá.

Nhiệt thành, quyết liệt và tràn đầy cảm xúc, tác phẩm của Hiền Nguyễn đã thổi bùng niềm đam mê nghệ thuật vào công chúng. “Trong cuộc sống, hẳn là nhiều người đã trải qua những buồn khổ, bế tắc, tối tăm. Cuộc sống vốn quá nhiều nỗi lo, bất trắc, cạm bẫy, dù muốn hay không, ta vẫn phải đương đầu. Nhưng nếu cứ để tâm hồn chìm trong bóng tối, liệu ta có còn là chính mình, còn có thể yêu thương như bản chất thiện lành? Tôi tận hưởng cuộc sống theo cách tôi sống, theo đuổi đam mê, tự hoàn thiện bản thân, dù vô vàn khó khăn” – Họa sĩ Hiền Nguyễn tự sự.  

 Triển lãm "Ủ" là tâm huyết ấp ủ suốt hơn 10 năm hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Hiền Nguyễn 
 Nghệ sĩ chơi đàn tại buổi khai mạc triển lãm còn công chúng say sưa chiêm ngắm những bức tranh thuộc thể loại "nữ hoàng"