Hòa Phát nói gì về bộ nhận diện thương hiệu mới của tập đoàn?

VietTimes -- Ngày 1/11/2017, Tập đoàn Hòa Phát chính thức ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới, trong đó quan trọng nhất là khối logo mới khỏe khoắn, hiện đại và năng động hơn, lấy triết lý “Hòa hợp cùng phát triển” làm kim chỉ nam. Bộ nhận diện thương hiệu Hòa Phát mới ra đời nhằm hoàn thiện hơn về mặt hình ảnh, uy tín thương hiệu, đồng thời tương xứng với quy mô, tầm vóc mới của Tập đoàn trong tương lai.
Logo, slogan mới của Hòa Phát.
Logo, slogan mới của Hòa Phát.

Theo đại diện Hòa Phát: "Bộ nhận diện thương hiệu Hòa Phát mới ra đời nhằm hoàn thiện hơn về mặt hình ảnh, uy tín thương hiệu, đồng thời tương xứng với quy mô, tầm vóc mới của Tập đoàn trong tương lai".

Qua chặng đường 25 năm phát triển, Hòa Phát đã khẳng định thương hiệu dẫn đầu ở nhiều ngành hàng như thép xây dựng, ống thép, nội thất nhờ chiến lược phát triển thận trọng, bài bản, không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu.

Logo mới là sự kết hợp giữa những đường nét cơ bản của logo cũ và sự hiện đại, tạo thành một tổng thể vừa mang tính kế thừa các giá trị cốt lõi, vừa thể hiện sự phát triển.

Họa tiết ba tam giác cân giao nhau tại một điểm trước đây được tái cấu trúc thành hình mũi tên đồng hướng, nhằm thể hiện sự đồng lòng hướng về phía trước, tiếp tục theo đuổi mục tiêu chất lượng của Tập đoàn. Bên dưới ba mũi tên là hình ảnh cách điệu của những đôi bàn tay cùng chung sức gây dựng nền tảng vững chắc suốt 25 năm qua.

Slogan (triết lí kinh doanh) của Tập đoàn cũng được nâng lên tầm cao mới: Hòa hợp cùng phát triển. Chữ “VÀ” trong slogan trước đây chuyển thành “CÙNG” nhằm nâng tầm mối quan hệ hợp tác giữa Hòa Phát với các đối tác, đại lý và cộng đồng xã hội, chuyển từ quan hệ “song hành” sang “tương hỗ”,  cùng nhau vươn lên mạnh mẽ.

Logo và slogan trước đây của Hòa Phát.Logo và slogan trước đây của Hòa Phát.

Ông Trần Tuấn Dương – Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết: “Tinh thần hòa hợp cùng phát  triển được thể hiện trong mọi quan hệ công việc, chứ không chỉ nói cho có. Đó là triết lý kinh doanh đã được hình thành ngay từ khi thành lập cho đến nay. Nhiều đại lý, đối tác đã phát triển, lớn mạnh lên khi hợp tác với Hòa Phát. Thậm chí có những đại lý, đối tác đi cùng Hòa Phát ngay từ những ngày đầu đến nay. Họ đã cùng Tập đoàn lớn mạnh hơn rất nhiều so với thời kỳ đầu”.

Dự kiến, thời gian chuyển đổi thương hiệu của Hòa Phát sẽ diễn ra trong khoảng 6 tháng, kể từ tháng 11/2017. Trong quá trình chuyển đổi, trên thị trường có thể song song tồn tại các ấn phẩm, bao bì, nhãn mác dưới cả hai loại logo cũ và mới.

Quyết định thay đổi bộ nhận diện thương hiệu của Hòa Phát nhằm hoàn thiện hơn về mặt hình ảnh, uy tín thương hiệu, đồng thời tương xứng với quy mô, tầm vóc mới của Tập đoàn trong tương lai, giúp Hòa Phát phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp tích cực cho nền kinh tế đất nước.

Dự án tái cấu trúc thương hiệu Tập đoàn Hòa Phát do Dentsu Việt Nam - thuộc Tập đoàn Quảng cáo và Truyền thông hàng đầu thế giới Dentsu tư vấn và thực hiện.

"Không hòa chỉ phát"

Theo những chuyên gia hàng đầu về thương hiệu trên thế giới, một doanh nghiệp phát triển thì khoảng 10 năm nên làm mới bộ nhận diện thương hiệu theo xu hướng phát triển kinh doanh của mình. Nói một cách văn hoa là làm mới thương hiệu của doanh nghiệp để cổ đông, khách hàng và thị trường nhìn thấy quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Khởi đầu từ một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8.1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực nội thất (1995), ống thép (1996), thép (2000), điện lạnh (2001), bất động sản (2001) và năm 2015 bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp.

Sau 25 năm hình thành và phát triển, Hòa Phát đã phát triển thành mô hình tập đoàn với 12 công ty thành viên. Với một cơ thể phổng phao như vậy, liệu “chiếc áo” mặc ngày đầu mới thành lập có còn vừa vặn?

Hòa Phát nói gì về bộ nhận diện thương hiệu mới của tập đoàn? ảnh 2Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Tuấn Dương. (Ảnh: HPG)

Ông cảm nhận thế nào khi mọi người biết đến Hòa Phát với slogan “không hòa chỉ phát”?

Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát Trần Tuấn Dương: Tôi nghĩ cũng hơi chạnh lòng chút vì hiện Hòa Phát đang có ngành hàng cốt lõi là thép, dù nội thất là mặt hàng kinh doanh trước. Ở Hà Nội hay các tỉnh thành nhan nhản các cửa hàng bán đồ nội thất Hòa Phát. Rồi nơi thì người tiêu dùng lại nói Hòa Phát rất nổi tiếng về thép xây dựng. Vậy là đang có tình trạng hiểu biết chưa đầy đủ về tập đoàn, kiểu như “thày bói xem voi”. Cái này khả năng do công tác truyền thông của tập đoàn chưa được tốt.

Cho đến nay, phim quảng cáo in sâu vào khách hàng là phim nội thất Hòa Phát với thông điệp “không hòa chỉ phát”. Dù giới chuyên môn đánh giá hơi thô, nhưng chúng tôi gặp từ người dân bình thường đến lãnh đạo cấp cao của đất nước đều nhớ đến thông điệp này.

Hòa Phát luôn làm thật ăn thật, tạo ra sản phẩm có chất lượng và đáng tin cậy, tạo nên những giá trị gia tăng cho xã hội. Đó chính là điều tôi tự hào nhất về thương hiệu Hòa Phát.

Chúng tôi quan niệm, muốn thành công là phải làm đúng, làm thật và phải làm tốt hơn người khác. Ngày mai phải làm tốt hơn hôm nay. Làm gì cũng được nhưng phải làm tốt hơn người khác thì mới thắng, mới cạnh tranh và thành công được. Điều đó có thể đúng hoặc không với các lãnh đạo khác của tập đoàn nhưng tiêu chí đó đặc biệt mạnh mẽ trong tôi.

Để đẩy mạnh phát triển thương hiệu theo hướng tập đoàn đa ngành, ông có nghĩ đến việc sẽ thay đổi để Hòa Phát xứng tầm quy mô  của tập đoàn đa ngành ?

– Về vấn đề làm thương hiệu, chúng tôi có cách làm riêng, không thể dập khuôn cách làm của các doanh nghiệp khác. Những gì hay thì nên học hỏi thôi. Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là làm truyền thông, thương hiệu ra sao để người tiêu dùng từ những người bình dân nhất đến các lãnh đạo cấp cao đều nhìn nhận đúng về mình. Việc tạo ra một hình ảnh quá lớn không đúng với bản chất của mình là điều không nên. Với Hòa Phát, chỉ cần xã hội nhìn nhận đúng và đủ về mình là được.

Chúng tôi đã thuê các đơn vị chuyên nghiệp nhất về làm thương hiệu, nghiên cứu thị trường để đánh giá sức khỏe thương hiệu của mình hiện tại trên thị trường để vạch ra chiến lược, hướng đi chính xác hơn về thương hiệu trong thời gian tới.

Nếu sự thay đổi nhận diện đem lại sự phát triển tốt hơn cho mình thì cũng nên làm. Vì có thể là trước đây chúng tôi hơi hồn nhiên trong cách làm thương hiệu.

Cơ duyên nào khiến Hòa Phát tham gia ngành thép trong khi đây là ngành công nghiệp nặng cần chi phí đầu tư cực kỳ lớn. Thời điểm đó anh nghĩ về thị trường thép thế nào và điều đó còn đúng sau 16 năm?

– Khoảng những năm 1996-1999, chúng tôi đã nghĩ đến làm thép và thức ăn chăn nuôi. Nhưng khi đó nhu cầu sản phẩm thức ăn chăn nuôi cực thấp. Sắt thép lúc đó lại đang rất cần cho công cuộc phát triển đất nước. Tiềm năng phát triển là rất lớn. Tăng trưởng ít nhất khoảng 10-15% mỗi năm. Do đó chúng tôi đã chọn làm thép trước.

Nếu được chọn lại thì Hòa Phát vẫn sẽ chọn thép và không tiếc về quyết định của mình. Sau 15 năm, thị trường thép Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng vào loại hàng đầu Đông nam Á và còn tiềm năng phát triển, nhất là các sản phẩm chất lượng cao, thép cuộn cán nóng.

Từ năm 2001 tới nay Thép Hòa Phát đã có những thay đổi lớn về tầm vóc cũng như vị trí trong ngành. Từ một nhà máy ở Hưng Yên với công nghệ lò điện hồ quang, giờ đây Hòa Phát là công ty duy nhất của Việt Nam sở hữu khu liên hợp sản xuất thép với công nghệ lò cao hiện đại tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Thép Hòa Phát hiện có công suất là trên 2 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 24% và dẫn đầu dẫn đầu cả nước với hệ thống sản phẩm có chất lượng tốt nhất, đủ chủng loại, mác thép khác nhau. Sau 16 năm, từ quy mô chỉ khoảng 200.000 tấn và chiếm chưa tới 5% thị phần thép xây dựng, thì nay Hòa Phát đã có công suất trên 2 triệu tấn, chiếm thị phần 24% và sẽ nhanh chóng nâng lên 4 triệu tấn thép dài vào năm 2019, khi dự án tại Dung Quất hoàn thành.

Bên cạnh thép xây dựng, Hòa Phát còn giữ thị phần số 1 về ống thép với hơn 26%, sản lượng hàng năm trên 700.000 tấn.

Cảm ơn ông về cuộc chia sẻ!