Trường quốc tế tại Hà Nội:

Hoa mắt vì mác trường quốc tế, nhập nhằng cấp chứng chỉ nước ngoài

VietTimes -- Cứ có yếu tố nước ngoài tham gia vào hoạt động của trường học, là các cơ sở giáo dục không ngần ngại quảng cáo là "trường quốc tế", hoặc có chất lượng giáo dục đạt chuẩn quốc tế. Trường Tiểu học Gateway (Hà Nội) là một ví dụ điển hình, nhưng việc "tự gắn mác" ở đây cũng chỉ được phát hiện sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc vụ cháu bé tử vong do bị bỏ quên trên xe.
Một ngôi trường quốc tế nổi tiếng tọa lạc tại Khu đô thị Ciputra, Hà Nội.
Một ngôi trường quốc tế nổi tiếng tọa lạc tại Khu đô thị Ciputra, Hà Nội.

Đi một vòng quanh Hà Nội, dễ dàng bắt gặp hàng chục trường học quốc tế được quảng cáo với những lời "có cánh" ở khắp mọi nơi. Cứ có yếu tố "ngoại" tham gia vào hoạt động giảng dạy, đầu tư, là các trường gắn mác "quốc tế", quảng cáo các khóa học đạt chuẩn quốc tế... 

Ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trên toàn thành phố chỉ có 11 trường quốc tế. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng hứa hẹn sẽ sớm công bố danh sách các trường quốc tế. 

Ngay sau khi ông Lê Ngọc Quang phát biểu với báo giới, VietTimes đã liên hệ tới Sở GD&ĐT Hà Nội để làm rõ vấn đề xung quanh danh xưng "trường quốc tế" và danh sách cụ thể 11 trường được Sở công nhận là trường quốc tế trên địa bàn.

Song, đã 1 tuần trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi của Sở GD&ĐT Hà Nội, ngoài nội dung yêu cầu phỏng vấn của phóng viên vẫn đang trong quá trình chờ xử lý.

Trong khi thông tin từ cơ quan quản lý rất khó tiếp cận, thì những quảng cáo hoa mỹ xuất hiện ở khắp mọi nơi: treo pano tại trường, website, quảng cáo trên Google, Facebook... mà không bị các cơ quan chức năng "sờ gáy"!

Những ngôi trường dưới đây vẫn gắn mác "quốc tế" và có những thông tin quảng cáo có thể làm "hoa mắt" các bậc phụ huynh khi lựa chọn trường cho con.

1. Trường mầm non quốc tế Global

Ngôi trường do Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư giáo dục Toàn Cầu thành lập cũng gắn mác quốc tế.
Ngôi trường do Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư giáo dục Toàn Cầu thành lập cũng gắn mác quốc tế.

Ngôi trường này được quảng cáo có thiết kế hiện đại của Thụy Điển và Singapore, do Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Giáo dục Toàn Cầu làm chủ đầu tư. Nhà trường quảng cáo chương trình học tập "đáp ứng những tiêu chuẩn nội dung chương trình học UK National và tiêu chuẩn quốc tế" và có "môi trường học tập thực sự".

Đáng lưu ý là Trường có địa điểm tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong khi ông Phạm Ngọc Anh -- Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) -- khẳng định trên địa bàn quận Cầu Giấy không có trường nào được công nhận quốc tế. Thế nhưng, vẫn có một ngôi trường ngang nhiên tự xưng là trường quốc tế! 

Bên cạnh đó, việc áp dụng một chương trình học của nước ngoài để giảng dạy từ lớp mầm non có được Bộ GD&ĐT cho phép? Đưa ra lời quảng cáo "có cánh" về nội dung học chuẩn quốc tế, liệu nhà trường có thực sự đáp ứng chuẩn quốc tế hay không? Ai là người chịu trách nhiệm về chất lượng "quốc tế" này?

2. Hệ thống Trường quốc tế liên cấp Việt - Úc Hà Nội

Một ngôi trường gắn mác quốc tế khác ở Hà Nội.
Một ngôi trường gắn mác quốc tế khác ở Hà Nội.

Đây là ngôi trường khác trên địa bàn Hà Nội cũng có chữ "quốc tế", được quảng cáo là có liên kết với nhà đầu tư nước ngoài là Cambridge Assessment International Education".

Thực chất, nhà trường do Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Việt - Úc đầu tư, đại diện pháp luật là người Việt Nam. Thế nhưng, không chỉ quảng cáo về trường đạt chuẩn quốc tế, nhà trường còn quảng cáo về việc cấp chứng chỉ quốc tế vĩnh viễn cho các học sinh.

Trường hứa hẹn sẽ đào tạo học sinh thi và cấp chứng chỉ quốc tế vĩnh viễn ở cấp tiểu học trên website của trường
Trường hứa hẹn sẽ đào tạo học sinh thi và cấp chứng chỉ quốc tế vĩnh viễn ở cấp tiểu học trên website của trường

Theo thông tin trên website của nhà trường, chúng tôi tìm hiểu về chứng chỉ quốc tế "Cambridge International Primary Checkpoint" thì biết, đây thực chất chỉ là một bản đánh giá về kết quả học tập của các học sinh tiểu học sau 5 năm, nhằm giúp các học sinh và phụ huynh biết được tình trạng học tập, năng lực của trẻ, không phải là chứng chỉ quốc tế vĩnh viễn và có thể giúp các học sinh chuyển sang học các trường trên thế giới như nhà trường cho biết.

Điều tương tự cũng xảy ra với chứng chỉ "Cambridge International Secondary Checkpoint".

Cơ sở vật chất của trường tại Hà Nội
Cơ sở vật chất của trường tại Hà Nội

Đáng nói, học phí của ngôi trường này cũng cao như chất lượng quốc tế thật, cao hơn rất nhiều lần so với mức thu nhập bình quân của đa số người dân Việt Nam.

3. Trường quốc tế Anh - Việt Hà Nội

Một trong những bằng cấp mà trường này thường đưa ra để tạo độ tin cậy cho các bậc phụ huynh là hứa hẹn sẽ đào tạo, giúp học sinh thi đỗ chương trình tú tài quốc tế A-level, nâng cao cơ hội đi du học.

Lời quảng cáo có cánh của nhà trường về đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Lời quảng cáo có cánh của nhà trường về đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thực tế, chẳng có chứng chỉ nào gọi là "Chứng chỉ tú tài quốc tế A-level". Mà A-level và chương trình tú tài (IB) là hai chương trình hoàn toàn khác nhau.

Trong khi A-level tương tự với việc chọn học và thi đại học theo khối các môn tại Việt Nam, thì chương trình tú tài quốc tế đơn giản hơn, học sinh chỉ cần hoàn thành 6 môn học thuộc các nhóm ngành khác nhau và thi lấy điểm số để lấy chứng chỉ xin vào hệ thống các trường đại học, mà không bị gò bó lựa chọn.

Nhưng nhà trường đã nhập nhằng thông tin ghi trên website để tăng độ uy tín với các phụ huynh.

Ngôi trường này có tới 7 cơ sở phân bố ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh, có cùng chủ đầu tư với Trường Tiểu học Gateway.
Ngôi trường này có tới 7 cơ sở phân bố ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh, có cùng chủ đầu tư với Trường Tiểu học Gateway.

Chỉ mới một vài trường trên địa bàn đã có dấu hiệu "mập mờ" trong quảng cáo, gắn mác quốc tế tùy tiện. Sau những minh chứng này cùng với sự việc của Trường Tiểu học Gateway, liệu rằng người dân có còn đủ lòng tin vào hai từ "quốc tế", chất lượng giáo dục mà các nhà trường tự gắn lên?

Chính ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định, ngoài danh sách 11 trường cụ thể, các trường khác là mang yếu tố nước ngoài thì không thể gọi là trường quốc tế.

Với những vi phạm rõ ràng cả về việc gắn mác và về việc quảng cáo khóa học của các trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có hoạt động chấn chỉnh các nhà trường như thế nào, để phụ huynh, học sinh không còn phải hoa mắt cứ mỗi khi thấy tên trường quốc tế?

Để nở rộ các trường mang danh quốc tế mặc dù nhiều trường không được phép, khiến phụ huynh bị lừa, trách nhiệm của ngành giáo dục ra sao, là câu hỏi cần sớm được trả lời!

VietTimes vẫn đang đợi câu trả lời từ Sở GD&ĐT Hà Nội và sẽ tiếp tục thông tin vụ việc...

Nếu không ghi biển hiệu là trường quốc tế, nhà trường sẽ quảng cáo các chương trình "chuẩn quốc tế" như trường mầm non này.

Nếu không ghi biển hiệu là trường quốc tế, nhà trường sẽ quảng cáo các chương trình "chuẩn quốc tế" như trường mầm non này.

Theo luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp, Hà Nội - Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway và nhiều trường quốc tế khác trên cả nước chưa được pháp luật công nhận là "trường quốc tế".

Chỉ có một số ngôi trường đặc biệt được mở ra vì mục đích ngoại giao mới thực sự được công nhận là trường quốc tế tại Việt Nam. Đó là các trường quốc tế do các cơ quan ngoại giao thành lập, là Trường Liên Hiệp Quốc UNIS, Trường trung học Alexandre Yersin của Đại sứ quán Pháp, trường của Đại sứ quán Nhật, Hàn Quốc, Nga.

Ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT) - cũng khẳng định hệ thống giáo dục của Việt Nam chỉ có 3 loại hình nhà trường, đó là trường công lập, trường tư thục và dân lập. 

Một chuyên gia giáo dục cho biết, ngay cả khi trong quyết định thành lập trường có từ "quốc tế", thì chỉ được tính là tên riêng của nhà trường, không phải nhà trường có chất lượng quốc tế được pháp luật công nhận. Các trường đó hoạt động dưới mô hình trường học tư thục.