Cụ thể, nguyên cáo là “đại gia” M. cáo buộc hoa hậu Phương Nga lừa đảo “đại gia” 16,5 tỉ đồng thông qua thỏa thuận hợp đồng mua bán nhà. Ngược lại, khi ra tòa, Nga khai có nhận tiền nhưng bản chất số tiền là cam kết “hợp đồng tình ái” giữa Nga và ông M.
Theo như “hợp đồng tình ái”, ông M. phải trả 16,5 tỉ đồng để Nga sống chung không hôn thú với “đại gia” trong vòng 7 năm và ông M. sẽ đến ở cùng Phương Nga từ 13 giờ đến 23 giờ mỗi ngày. Hoa hậu Phương Nga còn cho biết, bản chất quan hệ này là tình cảm, nhưng vì muốn ông M chắc chắn tình cảm và trách nhiệm với Nga nên Nga yêu cầu ông M chuyển tiền cho Nga. Sau đó, đến cuối năm 2013 thì M. giao hết số tiền.
Khi giao xong tiền, 2 bên có nhiều mâu thuẫn nên Nga quay sang tố ông M. tại cơ quan chính quyền về việc ông này vi phạm chế độ một vợ một chồng. Sau đó, ông M. tố Nga vay mượn 16,5 tỉ đồng nhưng không trả và vài tháng sau ông M. thay đổi nội dung tố cáo, tố Nga lừa đảo thông qua thỏa thuận mua bán nhà.
Trong quá trình xét xử, vụ án đã phát sinh nhiều lời khai mới, chưa được làm rõ, đặc biệt là một số ảnh chụp email được cho là của ông M. gửi cho Hoa hậu Phương Nga, khẳng định việc mua bán tình – tiền. Vì vậy, tại buổi xét xử chiều 21.9, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Được biết, Hoa hậu Phương Nga và đồng phạm là Nguyễn Đức Thùy Dung khai có hợp đồng tình ái với tên gọi “hợp đồng tình dục” giữa Nga và ông M. với số tiền thỏa thuận ông M. phải trả cho Nga là 16,5 tỉ đồng. Điều này đã khiến vụ án trở thêm phần khó khăn. Vì nếu đây là hợp đồng giữa hai bên, thì đây sẽ là vụ án dân sự mua bán dâm bình thường chứ không phải là vụ án hình sự lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo Luật sư (LS) Hà Hải (Đoàn LS TP.HCM) phân tích: “Thỏa thuận về “hợp đồng tình dục” là bản chất của hành vi mua bán dâm theo pháp lệnh Phòng chống mại dâm 2003 và các bên sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013. Trong đó, ông M. sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng - 10 triệu đồng về hành vi mua dâm tại điều 22; Nga sẽ bị phạt từ cảnh cáo đến 300.000 đồng về hành vi bán dâm tại Điều 23”, LS Hà Hải nói.
Ngoài ra, theo LS Hà Hải, vai trò của bị cáo Dung khi biết “hợp đồng tình dục” giữa ông M. và Nga nhưng vẫn đứng ra nhận tiền cho Nga cũng cần được làm rõ.
“Nếu chứng minh được Dung là người môi giới thì có thể vụ án sẽ rẽ sang một hướng khác, tức hành vi môi giới mại dâm của Dung bị pháp luật hình sự điều chỉnh và khi đó toàn bộ số tiền thu lợi bất chính có thể bị tịch thu, sung công quỹ nhà nước”, LS Hải nêu.
Còn LS Đặng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, việc quan hệ tình dục giữa hai bên là tự nguyện không phụ thuộc vào số tiền mà bị hại đưa cho bị cáo hoặc "hợp đồng tình ái" mà bị cáo khai là không có thật thì bị cáo vẫn có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vẫn phải có nghĩa vụ trả lại người bị hại số tiền đã chiếm đoạt..
Cũng theo luật sư Cường, để kết tội hoa hậu Phương Nga về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan tố tụng phải chứng minh được hai hành vi của Phương Nga là "thủ đoạn gian dối" và "hành vi chiếm đoạt tài sản". Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì sẽ không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
LS Lê Văn Thiệp (Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Hà Nội) cho rằng, việc hoa hậu Phương Nga cho rằng đây là "hợp đồng tình ái" thì đây chỉ là quan điểm của bị cáo, còn trên phương diện pháp lý thì theo quy định của Bộ luật dân sự không có loại hợp đồng này.
Tuy nhiên, LS Thiệp còn lưu ý, Hoa hậu Phương Nga không dùng thủ đoạn để giành tài sản từ chủ sở hữu, việc chuyển dịch tài sản là hoàn toàn tự nguyện. Đặc biệt lời khai của ông M. về việc mua nhà không có căn cứ và không thuyết phục vì ông ta là Thương nhân đang sống tại Việt nam chứ không phải người thiểu năng hay khuyết tật, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Về góc nhìn khác, một thẩm phán Tòa dân sự TAND TP.HCM cho rằng nếu có thỏa thuận “hợp đồng tình ái” và một trong các bên yêu cầu hủy hợp đồng này thì đây là giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối vì trái với đạo đức của xã hội và hậu quả pháp lý là các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
“Việc ông M. nhận lại tiền rất dễ nhưng đối với hoa hậu Phương Nga, nếu cho rằng việc thực hiện thỏa thuận này đã gây tổn thất cho mình và thực tế không thể nhận lại những gì cho “trao” cho ông M. thì hoa hậu phản tố đòi bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất trong quá trình thực hiện thỏa thuận hoặc khởi kiện vụ án đòi bồi thường thiệt hại ở một vụ kiện dân sự khác”, vị thẩm phán nêu ý kiến.
Tổng hợp theo Thanh Niên