Từ khi bê bối lộ dữ liệu liên quan đến Cambridge Analytica bị phát hiện năm 2018, giới chuyên môn đã đặt ra nhiều nghi vấn về cách thu thập thông tin của các "ông lớn" Internet như Facebook hay Google.
Nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra, một trong số đó là những hồ sơ bóng tối (shadow profile), chứa thông tin cá nhân của người dùng dù họ chưa bao giờ sử dụng Facebook.
Trong một buổi điều trần năm 2018 trước Quốc hội Mỹ, các Thượng nghị sĩ đã hỏi Facebook về những hồ sơ bóng tối này. Vậy chúng là gì, có ảnh hưởng ra sao?
Facebook vẫn có thông tin dù bạn không đăng ký tài khoản
Sở hữu tên gọi hồ sơ bóng tối vì chúng không được tạo ra bởi chủ tài khoản. Thay vào đó, Facebook tạo ra chúng mà không cần sự đồng ý từ người dùng.
Giả sử bạn không có tài khoản Facebook nhưng một người thân của bạn có. Lúc người đó tạo tài khoản, Facebook sẽ giới thiệu tính năng cung cấp danh bạ để tìm những người quen biết đang sử dụng mạng xã hội này.
Nếu người ấy đồng ý, những liên lạc lưu trong máy họ được gửi lên Facebook. Hệ thống sẽ tìm kiếm các tài khoản có cùng email hoặc số điện thoại như trong danh bạ để gợi ý kết bạn.
Khi quét, Facebook sẽ lọc những liên lạc chưa sở hữu tài khoản, trong đó có bạn. Chúng được tách thành một hồ sơ riêng, đó chính là hồ sơ bóng tối khi không được người dùng tạo ra nhưng lại chứa thông tin cá nhân của họ.
Như vậy, dù chưa bao giờ hay không có ý định sử dụng Facebook, nền tảng này vẫn thu thập được tên và thông tin liên lạc của người dùng. Nếu có bạn bè sử dụng Facebook, khả năng rất cao bạn đã có một hồ sơ bóng tối trên nền tảng này nếu không dùng Facebook.
Hồ sơ bóng tối không phải lời đồn hay thuyết âm mưu mà được chính Facebook thừa nhận sau vụ rò rỉ thông tin liên lạc năm 2013, trong đó có cả những người chưa bao giờ đăng ký tài khoản Facebook.
Vì sao có hồ sơ bóng tối?
Về cơ bản, Facebook tạo ra hồ sơ này phục vụ tính năng "Những người bạn có thể biết", chứa danh sách những cá nhân để người dùng kết bạn.
Theo MakeUseOf, khả năng này giúp Facebook gợi ý kết bạn với người quen ngay khi người dùng tạo tài khoản mới. Đó là lý do Facebook cần thu thập dữ liệu và tạo ra các hồ sơ bóng tối.
Tuy nhiên đây là câu trả lời từ nội bộ Facebook. Nếu hỏi những người khác, bạn sẽ nhận được một lý do khó chịu hơn. Theo đó, khi Facebook có dữ liệu miễn phí, họ sẽ tận dụng nó để thu càng nhiều lợi ích càng tốt. Thậm chí sau khi xóa tài khoản, thông tin của người dùng vẫn sẽ nằm lại Facebook.
Từ khi những hồ sơ bóng tối được đưa ra, Facebook đã giải thích rõ hơn về cách hoạt động trong chính sách bảo mật, tuyên bố họ có sử dụng thông tin từ điện thoại của người dùng.
"Chúng tôi thu thập thông tin nếu bạn đồng ý, đồng bộ hoặc lấy chúng từ thiết bị (địa chỉ liên lạc, nhật ký cuộc gọi hay nhật ký SMS) giúp bạn tìm được những người có thể quen biết", Facebook ghi trong mục "Mạng và Kết nối".
Trong phần "Những thứ người khác làm và cung cấp thông tin về bạn", Facebook ghi rằng: "Chúng tôi cũng thu thập và phân tích thông tin được người khác cung cấp khi sử dụng sản phẩm của Facebook. Chúng có thể bao gồm thông tin của bạn khi người khác chia sẻ, bình luận trong hình ảnh của bạn, gửi tin nhắn cho bạn, hoặc cung cấp thông tin liên lạc của bạn".
Dòng cuối cùng cho thấy Facebook được phép tạo hồ sơ bóng tối. Miễn là người dùng đồng ý với chính sách bảo mật này, Facebook sẽ tiếp tục tạo nhiều hồ sơ bóng tối hơn.
Có thể xóa hồ sơ bóng tối không?
Người dùng không có quyền kiểm soát trực tiếp hồ sơ bóng tối của mình trên Facebook. Mỗi khi có người tải lên thông tin liên quan đến bạn, chúng sẽ được thêm vào hồ sơ bóng tối.
Nếu không muốn có hồ sơ bóng tối, người dùng chỉ có thể yêu cầu bạn bè đừng tải lên thông tin liên lạc cho Facebook bằng cách truy cập phần "Quản lý danh bạ". Tuy nhiên, cách này không thực tế chút nào bởi bạn sẽ phải hỏi từng người mà mình quen biết hoặc có lưu danh bạ. Dù yêu cầu thì chưa chắc họ đã nghe theo.
Như vậy, cách tốt nhất để tự bảo vệ mình khỏi hồ sơ bóng tối là hạn chế cung cấp thông tin nhạy cảm cho bạn bè. Chỉ cung cấp số điện thoại và email, tránh những thông tin không cần thiết. Bạn cũng có thể sử dụng 2 email và 2 số điện thoại, một cho gia đình, công việc và một cho bạn bè để tránh email công việc "rơi" vào tay Facebook.
Theo Zing