Hộ chiếu vaccine có phải ý tưởng tốt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các công cụ số dùng để xác nhận người đã tiêm vaccine có thể giúp nới lỏng lệnh phong tỏa, nhưng đồng thời làm dấy lên quan ngại về quyền riêng tư và sự bình đẳng.
Hộ chiếu vaccine COVID-19 hiện được nhiều nước áp dụng thử nghiệm (Ảnh: Nikkei)
Hộ chiếu vaccine COVID-19 hiện được nhiều nước áp dụng thử nghiệm (Ảnh: Nikkei)

Liên minh châu Âu (EU) vào trung tuần tháng 6 đã công bố kế hoạch tung ra Hộ chiếu vaccine – xác nhận một cá nhân đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 – để nới lỏng việc di chuyển giữa khối 27 nước thành viên và khởi động lại ngành công nghiệp du lịch khi sắp bước vào giai đoạn cao điểm của kỳ nghỉ hè.

Trong lúc chiến dịch tiêm chủng vaccine đạt bước tiến trên khắp châu lục, chính phủ các nước EU nỗ lực tìm biện pháp ứng dụng công nghệ số để giúp mở cửa trở lại đường biên giới, bằng cách xác nhận những người đã tiêm chủng vaccine đầy đủ.

Theo chương trình hộ chiếu vaccine của EU, quyền di chuyển không hạn chế sẽ được trao cho những người đã được tiêm vaccine đầy đủ và những người có thể chứng minh họ có kết quả âm tính khi xét nghiệm COVID-19 hoặc đã miễn nhiễm sau khi đã bị mắc COVID-19.

Hệ thống này sẽ được khởi động trong tháng 7 năm nay, nhưng 13 nước thành viên – trong đó có Hy Lạp, Đức và Ba Lan – đã bắt đầu áp dụng trước hộ chiếu vaccine - sẵn có cả định dạng số lẫn định dạng giấy tờ truyền thống.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty công nghệ phát triển giấy xác nhận số có thể truy cập bằng smartphone, sau đây là những điều cần nắm được về dạng hộ chiếu y tế.

Hộ chiếu y tế là gì?

Cụm từ hộ chiếu y tế thường để chỉ các tài liệu - ở dạng giấy tờ hoặc dạng số - dùng để xác nhận một cá nhân không có khả năng bị nhiễm hay phát tán một dịch bệnh.

Đối với virus Corona, giấy xác nhận này sẽ chứng nhận 1 trong 3 tiêu chí rằng người sở hữu đã được tiêm vaccine, có kết quả âm tính khi xét nghiệm COVID-19 hoặc từng mắc bệnh và đã khỏi.

Hộ chiếu dạng này có thể cho phép chính phủ các nước gỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống dịch, cho phép người dân di chuyển bằng máy bay, tham gia các sự kiện đông người, đi tới nơi công sở làm việc hoặc đi ăn tối trong nhà hàng cùng bạn bè, gia đình…

Những nước nào đang áp dụng?

Hộ chiếu y tế hiện đang được thử nghiệm ở nhiều quốc gia trên thế giới, từ Bahrain cho tới Baltic. Estonia và Lithuania nằm trong số những quốc gia đầu tiên áp dụng “Chứng nhận số COVID của EU”.

Trung Quốc cũng cho ra mắt một hệ thống trên nền tảng ứng dụng. Nó dùng dữ liệu y tế và lịch sử di chuyển của người dùng để đưa ra đánh giá về nguy cơ bị nhiễm virus của họ. Còn ở Ấn Độ, bất cứ ai đã tiêm vaccine COVID-19 đều nhận được một mã xác QR xác nhận.

Ở Israel, những người đã được tiêm vaccine hoặc có khả năng kháng bệnh sau khi khỏi COVID-19 được cấp cho một giấy chứng nhận có tên là “Thẻ Xanh” (Green Pass) của Bộ Y tế, cho phép họ đi tới nhiều địa điểm giải trí. Trong khi đó, Đan Mạch cũng áp dụng một dạng tài liệu chứng nhận tương tự có tên “Hộ chiếu corona” (Corona-passport).

Giới thiệu về hộ chiếu vaccine COVPASS ở Đức (Ảnh: Reuters)

Giới thiệu về hộ chiếu vaccine COVPASS ở Đức (Ảnh: Reuters)

Những bên nào đang sử dụng chứng nhận số?

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) trong tháng này cho biết, một dạng hộ chiếu di chuyển số có chứa kết quả xét nghiệm COVID-19 và chứng nhận đã tiêm vaccine sẽ được áp dụng trong những tuần tới đây, sau giai đoạn thử nghiệm.

Hộ chiếu này có dạng một ứng dụng di động, đã được một số hãng hàng không thử nghiệm từ trước. Ban đầu, nó vốn được thiết kế để tạo điều kiện cho quy trình kiểm tra hành khách tại cửa check-in của sân bay và lúc hành khách lên máy bay. Sau đó, nó được IATA chỉnh sửa sao cho các nhân viên di trú có thể kiểm tra khách hàng khi họ tới điểm đến cuối.

Ở quy mô nhỏ hơn, trường ĐH Illinois của Mỹ cũng tạo ra một dạng chứng nhận tương tự để giúp xác nhận những người âm tính với COVID-19.

Đầu năm nay, nhiều công ty công nghệ lớn bao gồm Microsoft, Oracle cùng các hãng chăm sóc sức khỏe như Cigna, Mayo Clinic đã trở thành một phần của liên minh thúc đẩy sử dụng chứng nhận số dành cho những người đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Dự án này có tên gọi “Sáng kiến Chứng nhận Vaccine” (VCI), nhằm mục đích giúp người dân sở hữu các tài liệu số được mã hóa về tình trạng miễn nhiễm của họ, được lưu trữ trong một ví điện tử mà họ tùy chọn.

Những điều gây quan ngại

Cái gọi là “hộ chiếu miễn dịch”, trao quyền tự do lớn hơn cho những người đã khỏi bệnh COVID-19, có thể vô tình khiến một số người bị nhiễm virus, như giới chuyên gia y tế từng cảnh báo.

Các loại chứng nhận tiêm vaccine vốn đã được quản lý bằng luật pháp quốc tế, trong đó cho phép các nước yêu cầu du khách chứng minh rằng họ đã tiêm vaccine ngừa một loại dịch bệnh (như cúm vàng da) mới được nhập cảnh.

Tuy nhiên, việc mở rộng hệ thống này để bao phủ COVID-19 có thể đối mặt với nhiều khó khăn, bởi chính phủ các nước cần phải nhất trí về chủng vaccine mà họ chấp nhận; theo Alexandra Phelan, chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm thuộc ĐH Georgetown, Washington D.C, nói.

Liên kết hoạt động du lịch với tiêm chủng vaccine cũng có thể khiến một phần lớn dân số thế giới bị mắc kẹt không thể đi đâu, bởi nhiều quốc gia đang phát triển đang chật vật gom đủ lượng vaccine COVID-19 cần có để thực hiện chiến dịch tiêm chủng.

Tại sao dùng chứng nhận số thay vì giấy tờ?

Các loại chứng nhận đã tiêm vaccine trên lý thuyết có thể ở dạng giấy tờ truyền thống hoặc định dạng số, nhưng các cuộc thử nghiệm phần lớn chỉ tập trung vào giải pháp số.

Sự tiếp cận vaccine COVID-19 hiện nay còn hạn chế, bởi vậy mà có thể xảy ra tình trạng người dân làm giả giấy tờ chứng nhận vaccine, và đương nhiên các dạng chứng nhận giấy tờ truyền thống thì dễ bị làm giả hơn so với chứng nhận dạng số; theo giới chuyên gia.

Tuy nhiên, có một hạn chế là các ứng dụng di động hay giải pháp số kết hợp dữ liệu y tế với xác nhận tiêm vaccine lại không chạm đến được những người không sở hữu smartphone, ngoài ra còn phải kể tới các quan ngại về quyền riêng tư; Tom Fisher, chuyên gia nghiên cứu thuộc hãng Privacy International nhận định.