Hibeco - “kết buồn” của hãng bia hơn 30 năm tuổi

Liên tiếp nhiều chuyện kém vui đến với hãng bia Hibeco trong bối cảnh doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu 22,1 tỷ đồng lại gánh trên vai 110 tỷ nợ phải trả trong năm 2023. Điều này gây áp lực lớn lên khả năng thanh toán và duy trì vận hành.

Điều ít biết về hãng bia Hibeco

Hibeco là tên giao dịch của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia rượu nước giải khát Hưng Yên Hà Nội, chủ sở hữu của loạt thương hiệu bia khu vực phía Bắc như: bia hơi Dragon, Viabeco, Special, bia lon Ocean, Staromost…

Đối với người dân ở địa phương khác, thương hiệu Hibeco vẫn còn xa lạ, thậm chí khi tìm kiếm trên Google còn nhầm lẫn với hãng bia “quốc dân” Habeco. Tuy nhiên, ít ai biết rằng doanh nghiệp này đã có tuổi nghề hơn 30 năm trong lĩnh vực sản xuất bia rượu, nước giải khát, trong đó tập trung phát triển ở 2 địa phương là Hải Dương và Hưng Yên.

Hibeco sở hữu các thương hiệu như: bia hơi Dragon, Viabeco, Special, bia lon Ocean, Staromost…

Theo tìm hiểu của VietTimes, Hibeco là pháp nhân vừa tròn 1 tuổi, được thành lập ngày 19/9/2023, trên cơ sở kế thừa sự nghiệp cho Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Quốc tế, có trụ sở tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Theo giới thiệu trên website Hibeco, sự ra đời của Công ty Thực phẩm Quốc tế bắt nguồn từ một cơ sở sản xuất nhỏ có địa chỉ ở Ngô Quyền, thành phố Hải Dương vào năm 1989, do bà Phạm Thị Tỵ là người sáng lập và dẫn dắt.

Bà Phạm Thị Tỵ nguyên là cán bộ ngân hàng đã về hưu, khi đó tròn 50 tuổi mới bắt đầu tập trung cho công việc kinh doanh riêng. Năm 2021, nhờ sự hỗ trợ và động viên của bạn đồng hương là ông Bùi Quang Hưng (chuyên làm việc trong lĩnh vực bia rượu nước giải khát) bà Tỵ đã nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động, di dời địa điểm sang Khu công nghiệp Phố Núi A (Hưng Yên) để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Đây cũng là năm thành lập Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Quốc tế. Giai đoạn này, công ty dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc Lưu Minh Dũng – con trai bà Tỵ - đã cho ra mắt nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như bia Việt Á, Dragon, Special…

Tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp phân tán cho các thành viên khác trong gia đình, tính đến tháng 7/2022.

Trong hơn 30 năm hoạt động, bà Phạm Thị Tỵ luôn có sự sát cánh của 3 người con là ông Lưu Minh Dũng (sinh năm 1963), ông Lưu Anh Tuấn (sinh năm 1968) và bà Lưu Thị Cẩm Thúy (sinh năm 1966).

Trong đó, ông Lưu Minh Dũng được giao làm Giám đốc công ty; ông Lưu Anh Tuấn làm người đại diện và bà Lưu Thị Cẩm Thúy làm Kế toán trưởng. Theo dữ liệu của VietTimes, tính đến tháng 3/2017, vốn điều lệ công ty 25 tỷ đồng, trong đó ông Dũng sở hữu 90% cổ phần, 10% thuộc về ông Nguyễn Quốc Khánh - chồng bà Cẩm Thúy.

Sau đó, vào tháng 7/2022, doanh nghiệp này đổi người đại diện sang ông Lưu Anh Tuấn. Cùng với đó, tỷ lệ sở hữu phân tán cho các thành viên khác trong gia đình. Cụ thể, ông Lưu Anh Tuấn giữ 33% (giá trị vốn góp 8,25 tỷ đồng), bà Trần Thị Hoa giữ 25% (6,25 tỷ đồng), ông Lưu Thành Đạt giữ 15%, bà Lưu Thị Cẩm Thúy giữ 20%), ông Lưu Mạnh Toán giữ 7%.

“Nhái” sản phẩm của Habeco

Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, sự ra mắt các thương hiệu bia như Viabeco, Dragon, Special, Men, Ocean… là minh chứng cho sự nỗ lực của doanh nhân Phạm Thị Tỵ, khi từng ngày hoàn thiện về chất lượng và đa dạng về số lượng. Thế nhưng, doanh nghiệp này cũng không che giấu sự ngưỡng mộ đối với “biểu tượng ngành bia phía Bắc” là Habeco.

Điều này thể hiện qua việc tên gọi Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Quốc tế gần như bị xóa bỏ và khoác lên mình thương hiệu Hibeco (hoặc Hubeco) vào năm 2023. Đáng chú ý, doanh nghiệp này cũng từng làm “nhái” sản phẩm của Habeco và bị cơ quan chức xử lý hành chính.

Cụ thể, từ tháng 1/2019 tới thời điểm chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra năm 2020, sự việc Công ty Thực phẩm Quốc tế sản xuất bia hơi, bia tươi rồi đóng vào các keg mang nhãn hiệu “Bia Dragon Hà Nội”, “Hà Nội Beer”, “Special Hà Nội bia”, “Bia tươi Hà Nội Dragon” đã bị bại lộ.

Cơ quan chức năng xác định hành vi trên đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Bia Hà Nội” đã được bảo hộ của Habeco. Tổng giá trị tang vật vi phạm gần 300 triệu đồng. Theo đó, Công ty Thực phẩm Quốc tế bị phạt 190 triệu đồng và buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp với nhãn hiệu của Habeco.

Một số thương hiệu bia của Hibeco như: bia hơi Dragon, Viabeco... (Ảnh: Hibeco)

Đây không phải lần duy nhất Công ty Thực phẩm Quốc tế bị xử phạt hành chính. Ngay trước vụ việc này, hồi tháng 1/2019, với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, doanh nghiệp này đã bị UBND tỉnh Hưng Yên phạt hành chính với số tiền 108 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, chuyện kém vui tiếp tục xảy ra trong năm 2020 khi UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định chấm dứt dự án Khu dịch vụ khách sạn cao cấp Thành Đông và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Thực phẩm Quốc tế làm chủ đầu tư.

Dự án này có diện tích 1,1 ha, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2010 nhưng “đắp chiếu” nhiều năm nay. Hiện tại, UBND tỉnh này đã giao 1,1 ha đất trên cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý theo quy định.

Giữa bối cảnh âm vốn chủ sở hữu 22,1 tỷ đồng, hãng bia này đang gánh trên vai 110 tỷ đồng nợ phải trả trong năm 2023. Đồ họa: Đức Hoàng.

Doanh số “thụt lùi”

Thời điểm Công ty Thực phẩm Quốc tế bị phạt vì “nhái” sản phẩm của Habeco, doanh thu của công ty này giảm mạnh từ 40,7 tỷ đồng (năm 2019) xuống 12,2 tỷ đồng (năm 2020), giảm khoảng 70%.

Sang năm 2021, doanh thu của công ty có cải thiện rõ rệt, tăng lên 30,8 tỷ đồng và duy trì ở mức 24,6 tỷ đồng (năm 2022) và 26,5 tỷ đồng (năm 2023).

Tuy nhiên, doanh nghiệp của bà Phạm Thị Tỵ tiếp tục đối diện với thử thách lớn, đó là khoản lỗ kỷ lục 33,84 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2023, trong khi năm 2022 vẫn có lãi 113 triệu đồng. Hệ quả là toàn bộ vốn góp của cổ đông đã bị xóa sạch, thậm chí bị âm ngược lại 22,1 tỷ đồng trong năm 2023.

Giữa bối cảnh âm vốn chủ sở hữu 22,1 tỷ đồng, hãng bia này đang gánh trên vai 110 tỷ đồng nợ phải trả trong năm 2023, gây áp lực lớn lên khả năng thanh toán, duy trì vận hành.