Sáng 12/12, tại kỳ họp 12 của HĐND TP Đà Nẵng, các đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ về công tác cán bộ của TP, cụ thể là việc sử dụng cán bộ theo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) mà Đà Nẵng triển khai từ năm 2006 đến nay.
Ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - đã “mượn” chuyện cầu thủ đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam Hà Đức Chinh vừa cùng đồng đội giành ngôi vô địch môn bóng đá nam tại Seagame 30 để “truy” Giám đốc Sở Nội vụ TP về công tác sử dụng cán bộ của Đà Nẵng trong thời gian qua.
“Sử dụng cán bộ theo Đề án 922, tôi có liên tưởng đến cầu thủ Hà Đức Chinh. Chúng ta bỏ tiền ra hơn 600 tỷ để đi tìm người tài. Nhưng chúng ta đã đánh giá hết và sử dụng người tài như thế nào? Quan trọng là người sử dụng. Tôi thấy cầu thủ Hà Đức Chinh khi ở Đà Nẵng đã không phát huy được tài năng, còn bây giờ lại sáng giá trong đội tuyển U22 Việt Nam. Đề nghị Giám đốc Sở nói thêm về trách nhiệm của các đơn vị, các Sở về việc sử dụng người tài?” – ông Nguyễn Nho Trung nêu vấn đề.
Trao đổi lại, ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng - cho biết: “Học viên Đề án 922 đào tạo ra nhưng khi đi làm lại khác. Chất lượng đào tạo có người học giỏi, có người không giỏi. Trong quá trình làm việc sẽ có sự đào thải”.
Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ, đối với Đề án 922, các học viên khi ký kết hợp đồng với TP cam kết đi đào tạo phải xếp loại khá trở lên. Học viên của Đề án ra nước ngoài học, các trường cũng xếp loại, đánh giá khác nhau. “Thế nên, TP cân nhắc trong việc sử dụng các học viên với học lực khác nhau. Quan trọng là sử dụng nhân lực có hiệu quả không. Học viên vi phạm hợp đồng phải đền cho TP và hiện có 2 người phải đền.
Tuy vậy, Giám đốc Sở Nội vụ vẫn không đưa ra được giải pháp cốt lõi của việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực theo Đề án 922 sao cho hiệu quả. Đại biểu Huỳnh Bá Thành đã đặt câu hỏi: Theo báo cáo của Ban Pháp chế HĐND TP có sự “co lại” của công chức, viên chức do sợ chịu trách nhiệm, dẫn tới công việc tồn động kéo dài. Từ thực trạng trên, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP có biện pháp gì để chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức?” - .
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thành Tiến cho biết, qua hoạt động giám sát cho thấy thái độ làm việc của công chức không những "co lại" mà còn đùn đẩy. “Giám đốc Sở có co lại không? Năm 2020, đồng chí làm gì để cán bộ không còn trạng thái "ngủ đông" để hoàn thành nhiệm vụ mãnh liệt hơn” – đại biểu Nguyễn Thành Tiến hỏi.
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng thừa nhận có tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy lẫn nhau. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nội vụ, có những vấn đề nếu làm không khéo thì vi phạm pháp luật, có thể bị khởi tố. Vì vậy, người đứng đầu phải lãnh đạo quyết liệt, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ.
“Thời gian qua, chúng ta triển khai nhiều công việc lớn, các sở ngành có nhiều ý kiến mà rất thận trọng. Anh em phải soi văn bản luật, nghị định, thông tư đảm bảo đúng quy định của pháp luật mới dám làm nên ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Ai cũng muốn TP phát triển nhưng phải làm đúng pháp luật” – ông Võ Ngọc Đồng lý giải.
Về giải pháp, theo ông Đồng, UBND TP đã có chỉ đạo và có cơ chế giám sát, như kiểm tra, theo dõi nhiệm vụ được giao, tổ 1 cửa có camera giám sát. Qua nhắc nhở, cán bộ không chuyển biến sẽ phê bình, cách chức, điều chuyển công tác… Có nhiều trường hợp đã bị kỉ luật, bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, điều chuyển công tác.
Ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng tại phiên chất vấn
|
Sau khi nghe giải trình, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị Sở Nội vụ tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy tới đây xây dựng đội ngũ cán bộ với chất lượng cụ thể ra sao, đồng thời, đặt câu hỏi: “Một bộ phận cán bộ là bao nhiêu, đã xử lý bao nhiêu? Chúng ta đã gắn tới việc đánh giá, xếp loại, quy hoạch, luận chuyển, bổ nhiệm cán bộ không? Đại hội sắp đến rồi, có phải ngồi lại co cụm để lấy phiếu, để đứng vào vị trí mới không? Đề nghị phải nói rõ. Ở các nước, không làm được là từ chức, cách chức. Bây giờ Sở đổ qua sở này sở khác, thì trách nhiệm người đứng đầu Sở đâu?”