|
Người Thái muốn mời HLV Tawan Sripan lên nắm đội tuyển Thái Lan (ảnh FAT) |
Cộng đồng người Thái gốc Việt hiện nay có khoảng hơn 100 ngàn người, sống tập trung ở 20 tỉnh và thành phố trên toàn Thái Lan. Hầu hết người Việt qua Thái lao động hoặc người Thái gốc Việt thường kinh doanh đơn giản như mở hàng ăn. Nhưng họ biết xoay sở làm nhiều nghề một lúc để tồn tại nơi đất khách quê người.
Khơi niềm tự hào
Khi biết tin đội tuyển Việt Nam tham dự King's Cup 2019, những người Việt làm ăn, sinh sống bên Thái đều rất vui. Anh Đông tâm sự, khu vực anh sinh sống đa số là người quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định. Phần lớn đàn ông đều mê bóng đá, họ có thể chia sẻ niềm vui sân cỏ với những người bạn Thái, trừ đề tài đối đầu Việt Nam- Thái Lan.
|
ĐT Việt Nam đã kết thúc hành trình ấn tượng của mình tại King’s Cup 2019 với ngôi vị Á quân (ảnh Next Sports) |
“Đơn giản là bóng đá Thái Lan quá mạnh, nói gì mình cũng lép vế nên dần dần anh em bọn tôi ngại. Chỉ bàn tán các giải thế giới và châu lục, mặc nhiên trong ASEAN bóng đá xứ họ ngự trị ngôi đầu một cách nghiễm nhiên”, anh chia sẻ trong lá thư.
“Những ngày qua những người Thái gốc Việt đã tìm đọc báo chí 2 nước nói về King's Cup 2019, đặc biệt là đội tuyển Thái Lan và Việt Nam. Tôi khá đồng tình với những phân tích trong bài: Bóng đá Thái Lan: “Quá tam ba bận. Với người Thái, bóng đá đã trở thành “tôn giáo” thứ 2 sau đạo Phật và Việt Nam là đối thủ không đội trời chung. Không ít người Thái còn cho rằng, trong khu vực ASEAN, thua ai cũng được trừ Việt Nam”.
Lo cùng đội tuyển
Thực tế, với tư cách là chủ nhà VCK U23 châu Á 2020, tham dự vòng loại tại Việt Nam, đúng ra họ chỉ thử nghiệm đội hình nhưng Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) đã chỉ đạo HLV trưởng Alexandre Gama của U22 Thái Lan phải chiến thắng U22 Việt Nam, giành ngôi đầu bảng để đẩy Việt Nam vào thế bất lợi chờ vé vớt. U23 của họ thua trận là “bởi sự chủ quan và tinh thần bạc nhược”, kiểu thái độ muốn lao lên ăn tươi nuốt sống đối thủ, nhưng rồi lại chính họ dính bẫy khi mà “U23 Việt Nam chơi theo một hệ thống nhất quán với ĐTQG của họ”.
|
Niềm vui chiến thắng (ảnh TTXVN) |
Anh Đông cho biết: “Ngay cả khi U19 Thái Lan tiếp tục thua U19 Việt Nam 0-1 trong trận chung kết giải U19 Quốc tế 2019 thì FAT vẫn chưa thừa nhận một thực tế bóng đá Thái Lan đang mất đi sự độc tôn của mình”.
Khá nhiều người Thái gốc Việt đã theo dõi nhiều giải King's Cup đều cho rằng lần này FAT chuẩn bị King's Cup 2019 một cách kỹ lưỡng nhất. “Tôi biết, ngoài công tác chuyên môn thì đích thân Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmoung đã đi vận động kinh phí của các tập đoàn kinh tế lớn của Thái Lan treo thưởng cho đội tuyển. HLV tạm quyền Sirisak còn được hứa hẹn sẽ được ngồi chính thức ghế nóng, nếu đá thắng Việt Nam”.
“Có mặt trên sân Thunder Castle chứng kiến cuộc đọ sức của các cầu thủ Việt Nam và Thái Lan, chúng tôi khá xúc động bởi các cầu thủ trẻ như Văn Hậu, Quang Hải đã đứng vừng trước các pha bóng ác ý của đối phương. Chiến thắng chỉ đến với những người dũng cảm, câu nói đó một lần nữa lại đúng tại King's Cup 2019”.
“Thái Lan có nền báo chí tư nhân, nên sau thất bại thứ 3 liên tiếp, họ sẽ có những luồng quan điểm khác nhau, thậm chí cực đoan cũng có nhưng thất bại trước Việt Nam là một sự thật không thể chối cãi. Anh Charoen, ông chủ khách sạn nơi tôi làm việc thẳng thắn nói: "Đội bóng của HLV tạm quyền Sirisak Yodyardthai kết thúc King's Cup 2019 với thành tích toàn thua, xếp thứ 4/4. Thậm chí sau hai trận, đội chủ nhà còn không thể ghi nổi bàn nào thì không còn gì để nói nữa.”
Khác với giới quan chức FAT khá bảo thủ để giữ ghế thì giới tuyền thông Thái Lan đã nhìn thẳng vào thực tế: “Thất bại khó chấp nhận, thật đáng xấu hổ trước Việt Nam - đối thủ suốt hơn hai thập kỷ qua vẫn ngước nhìn người Thái như là anh cả của khu vực, luôn e sợ mỗi khi đụng độ. Thất bại trên gióng lên hồi chuông báo động với bóng đá Thái Lan. Chúng ta đang thụt lùi so với chính mình, trong khi Việt Nam có những bước phát triển nhảy vọt”.
“Quá tự tin thống trị bóng đá ASEAN, liên đoàn đã triển khai những bước đi sai lầm, viển vông theo tính hệ thống. Về cầu thủ, họ thiếu sự trau dồi, lười nhác và ra sân thiếu độ nhiệt huyết vì màu cờ sắc áo. Với cả nền bóng đá Thái Lan, nếu không thực hiện một cuộc cải tổ mạnh mẽ, đừng mong chúng ta có thể lấy lại từ tay Việt Nam vị thế số 1 trong làng túc cầu Đông Nam Á”, anh Đông đã trích lời tờ Bưu Điện Bangkok.
Người Thái không bỏ cuộc
“Thái Lan sẽ cải tổ mạnh, họ sẽ không bỏ cuộc và không dễ dàng chấp nhận thua Việt Nam. Danh thủ Kiatisak vì danh dự cá nhân nên sẽ khó quay trở lại làm HLV trưởng đội tuyển nhưng tôi nghĩ rằng HLV Tawan Sripan, người đang dẫn dắt CLB Suphanburi sẽ là cái tên sáng giá. Ông là một trong số ít HLV Thái Lan có cả chứng chỉ chuyên môn của AFC lẫn FIFA. Trước khi tới Suphanburi vào năm ngoái, nhà cầm quân sinh năm 1971 này dẫn dắt nhiều đội bóng ở Thái Lan như Saraburi, Police United, Muangthong Utd và Police Tero. Trong đó đáng chú ý có chức vô địch Thai League vào năm 2016 cùng Muangthong, đội bóng mà Đặng Văn Lâm đang đầu quân”.
|
Ông Park và các học trò đã làm cho món lẩu Thái có cả vị cay, lẫn đẳng (ảnh họa sĩ T.Thắng) |
“Thành công của bóng đá Việt Nam do nhiều yếu tố, nhưng tôi đánh giá cao đóng góp của ông Park Hang Seo. Nhìn việc FAT không biết dụng người, khiến phải thay HLV xoành xoạch, mong VFF sớm ký hợp đồng dài hạn với ông Park. Anh cho chúng tôi cám ơn VietTimes đã có nhiều bài phân tích về bóng đá 2 nước, giúp Việt kiều xa nhà như chúng tôi biết thêm tình hình”.