Theo dữ liệu của Forbes' Real-Time Billionaires, cập nhật đến ngày 4/10, ông Ma Huateng (Mã Hóa Đằng), hay còn được biết đến với tên gọi Pony Ma, sở hữu khối tài sản ròng có trị giá 33 tỉ USD, xếp hạng 4 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Ông được biết đến là nhà sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tencent Holdings (Tencent).
Sinh năm 1971, giống như nhiều tỷ phú khác ở Trung Quốc, ông Mã Hóa Đằng cũng có xuất phát điểm khiêm tốn. Thời niên thiếu, ông phải trải qua 3 lần chuyển nhà vì bố phải đi khắp nơi tìm việc mưu sinh.
Năm 1993, ông tốt nghiệp Khoa Máy tính của Đại học Thâm Quyến và đầu quân cho Runxun Communications Development (Công ty Nhuận Tấn), tập trung phát triển phần mềm chat và tìm kiếm.
Đến năm 1998, nhận thấy cơ hội với sự xuất hiện của Internet tại Trung Quốc, Mã Hóa Đằng quyết định cùng một số người bạn sáng lập Tencent.
Sản phẩm đầu tiên của họ là dịch vụ nhắn tin tức thời có tên OICQ, được cho là 'lấy cảm hứng' từ ứng dụng ICQ của một công ty Israel. Dịch vụ này nhanh chóng tạo nên cơn sốt với giới trẻ của đất nước tỉ dân. Đến năm 2000, họ quyết định đổi tên dịch vụ thành QQ sau khi gặp phải những tranh cãi về bản quyền.
Năm 2004, Tencent niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Cùng năm, họ cho ra mắt nền tảng chơi game online và 'thắng lớn' tại thị trường Trung Quốc.
Năm 2012, Tencent cho ra mắt WeChat và biến nó trở thành 'siêu ứng dụng' với các tính năng như: gọi điện, nhắn tin, chơi game, chuyển tiền, mua hàng, thanh toán online,...
Trong khi đó, lĩnh vực game đã đưa tên tuổi của Tencent vượt ra khỏi quốc gia tỉ dân. Tại Việt Nam, Tencent được biết đến rộng rãi trong vai trò là nhà phát triển tựa game PUBG Mobile, do VNG phân phối.
Góc khuất của ông chủ Tencent
Một nhà phân tích từng ví Mã Hóa Đằng giống như một con bọ cạp. “Ông ấy không bao giờ nói nhiều nhưng luôn nghĩ về các chiến lược. Mã ẩn mình sau tấm rèm, rất tập trung và sau đó bắt đầu tấn công”, vị này nói.
Sự trỗi dậy của Tencent từng giúp nhà sáng lập Mã Hóa Đằng vượt qua Jack Ma để trở thành người giàu nhất Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Forbes, ông chủ Tencent từng sở hữu khối tài sản ròng lên tới 65,8 tỉ USD vào năm 2021. Cũng theo tạp chí danh tiếng này, Tencent còn sở hữu cổ phần tại Tesla, Spotify và Epic Games - một trong những nhà phát hành videogame lớn trên thế giới.
Tencent và nhà sáng lập Mã Hóa Đằng cũng từng trải qua nhiều lùm xùm, tranh cãi. Giai đoạn 1999 - 2000, OICQ của Tencent đã thu hút nhiều khách hàng của ICQ, đặc biệt là người dùng ở Trung Quốc, khiến tập đoàn này bị kiện đòi bồi thường.
Sau khi thua kiện, Tencent phải ngừng sử dụng tên OICQ và đổi tên sản phẩm thành QQ. Bên cạnh đó, QQ từng vướng nghi vấn các tin nhắn được gửi qua nền tảng này đã bị lọc và kiểm duyệt.
Trong một thông tin công khai do Cục An sinh xã hội và Tài nguyên nhân lực Thâm Quyến ban hành ngày 12/10/2010 liên quan đến "Danh sách các chuyên gia cấp cao ở Thâm Quyến và Danh sách những người bị đình chỉ kế hoạch trợ cấp nhà ở trong quý 3 năm 2010", tên của ông Mã Hóa Đằng xuất hiện nổi bật trong danh sách các chuyên gia cấp cao của thành phố Thâm Quyến được phân bổ tiền trợ cấp nhà ở, bên cạnh CEO các công ty nổi tiếng như Huawei và TCL.
Tuy vậy, ông chủ Tencent cũng rất tích cực làm từ thiện. Năm 2016, ông Mã Hóa Đằng quyết định quyên góp hơn 2 tỉ USD vào quỹ mang tên mình. Quỹ này có nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất y tế, giáo dục của Trung Quốc.
Vị tỷ phú được cho là đã thành lập nhiều quỹ từ thiện khác, song với tính cách kín tiếng của ông chủ Tencent, các quỹ này chưa được biết đến rộng rãi./.
Nguồn tham khảo: Baidu, Sohu, Forbes, Time, Financial Times