Hãng xe ép đại lý đẩy hàng tồn vì sản xuất quá nhiều

Fiat Chrysler Automobiles (FCA) đang nỗ lực dọn kho với hàng chục nghìn chiếc xe mà các đại lý không hề đặt hàng.
Một đại lý Chrysler-Jeep-Dodge-Ram ở bang Utah, Mỹ. Ảnh: Digital Dealer
Một đại lý Chrysler-Jeep-Dodge-Ram ở bang Utah, Mỹ. Ảnh: Digital Dealer

Giải pháp của FCA là đưa ra những mức giảm lớn nhất trong một thập kỷ qua nhằm thúc đẩy doanh số cho các thương hiệu con gồm Dodge, Jeep và Ram. Tính từ đầu tháng 12, còn khoảng 70.000 xe không được đặt hàng nằm trong kho.

Số xe này ra đời vì hãng sử dụng dữ liệu phân tích để dự báo nhu cầu. FCA từng đưa ra một công cụ tính toán của cựu giám đốc Amazon, Mark Stewart, mục đích dự đoán bao nhiêu xe và chính xác kiểu xe mà hãng sẽ bán được. FCA thừa nhận hệ thống mới này đã giúp họ tiết kiệm 445 triệu USD trong quý III và đã dọn được 140.000 xe trong kho.

Hãng vẫn phủ nhận việc sản xuất dư thừa và cho biết việc cung cấp quá mức đơn giản là một hiệu ứng ngắn hạn của hệ thống mới này. Trong khi đó, nhiều nhân viên của hãng từng bày tỏ lo ngại, rằng con số dự đoán quá cao so với nhu cầu thực tế.

Trong một hội nghị diễn ra tuần trước, các nhân viên bán hàng được yêu cầu làm việc thêm giờ nhằm thúc đẩy hệ thống 2.400 đại lý của hãng lấy về nhiều xe hơn và giảm số xe không được đặt hàng vẫn đang tồn trong kho. Con số hàng tồn phải về 0 trước Giáng sinh.

Trong khi không phải tất cả các đại lý đều sẵn sàng mua xe từ số hàng tồn của FCA, lúc này có thể là thời điểm tốt đối với khách hàng. Nhiều mẫu xe có thể được bán với giá nội bộ, theo Car and Driver

Ủy ban Chứng khoán Mỹ (S.E.C) từng cho biết, FCA đã trả tiền cho các đại lý để báo cáo doanh số giả mạo và duy trì một "cơ sở dữ liệu thực tế nhưng doanh số không được ghi trong báo cáo", thứ được gọi là một "lọ kẹo ngọt", chỉ một thủ thuật tài chính nhằm để dành lợi nhuận. Khi hãng xe rơi vào tình trạng nguy hiểm, không đạt doanh số mục tiêu, hoặc biểu đồ doanh số giảm, "FCA Mỹ đã thò tay vào 'lọ kẹo ngọt' và lấy doanh số cũ ra báo cáo".

S.E.C nói rằng FCA đã vi phạm các điều khoản chống gian lận, cũng như các điều khoản về báo cáo và lưu trữ sổ sách. FCA quyết định dàn xếp êm thấm mà không thừa nhận cũng như phủ nhận. Hãng đã nộp 40 triệu USD cho S.E.C. vào tháng 9 vừa qua.

Một trường hợp khác đang nằm trong diện nghi vấn, là BMW. Hãng xe Đức có thể đang bị điều tra việc thổi phồng doanh số thông qua việc ký gửi ở đại lý thay vì mua đứt bán đoạn. Hành động trên được cho là khá quen thuộc trong ngành công nghiệp ôtô. Cụ thể, đại lý báo cáo là xe đã bán nhưng thực tế vẫn nằm trong kho. Những chiếc xe này sau đó cũng được bán nhưng dưới dạng xe đã qua sử dụng, với số công-tơ-mét rất ít.

Theo VnExpress

https://vnexpress.net/oto-xe-may/hang-xe-ep-dai-ly-day-hang-ton-vi-san-xuat-qua-nhieu-4033915.html