Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động tại Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc-đơn vị Tổng thầu EPC thi công toàn bộ tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông (TP Hà Nội).
Thanh tra Bộ LĐ-TXH cho biết tổng số lao động của Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đang làm việc tại công trình là 168 người, trong đó có 86 người Trung Quốc và 82 người Việt Nam.
Từ thời điểm khởi công dự án cho đến thời điểm thanh tra, doanh nghiệp (DN) này đã ký hợp đồng thi công xây dựng với 60 nhà thầu phụ để thực hiện công việc của dự án.
Qua quá trình thanh tra, Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH đã phát hiện hàng loạt sai phạm của Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Một số vi phạm được Bộ LĐ-TB-XH chỉ rõ: áp dụng mức lương tối thiểu thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do nhà nước quy định. Cụ thể: qua kiểm tra 20 hợp đồng lao động, DN này đang áp dụng mức lương chính và tiền công là 3.000.000 đồng/tháng (Theo quy định của Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11-11-2014, trong đó quy định mức lương tối thiểu năm 2015 ở khu vực thuộc vùng I như tại TP Hà Nội là 3.100.000 đồng/tháng - PV).
Ngoài ra, DN này cũng chưa tham gia đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho 28/82 người thuộc đối tượng phải tham gia theo quy định.
Đặc biệt, Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH cũng chỉ ra rằng công ty này chưa tiến hành kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với 8 máy, thiết bị (1 pha-lăng xích kéo tải trọng trên 1 tấn và 7 pha-lăng xích kéo tải trọng 5 tấn). Đây là những thiết bị, máy thuộc danh mục yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định.
“Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc cũng chưa khai báo với Sở LĐ-TB-XH TP Hà Nội khi sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định”- Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH nêu rõ.
Từ kết quả thanh tra, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền đã yêu cầu Giám đốc Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc phải trả lương cho người lao động đúng theo quy định tại Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11-11-2014, của Chính phủ; tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ cho 100% lao động thuộc đối tượng phải tham gia theo quy định tại điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội.
Bộ LĐ-TB-XH cũng yêu cầu DN của phía Trung Quốc phải tiến hành ngay việc kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với 8 máy, thiết bị (1 pha-lăng xích kéo tải trọng trên 1 tấn và 7 pha-lăng xích kéo tải trọng 5 tấn) và phải khai báo việc sử dụng 11 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động với Sở LĐ-TB-XH TP Hà Nội, theo đúng các quy định của pháp luật.
Được biết dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu đã để xảy ra rất nhiều vụ tai nạn lao động trong quá trình thi công khiến dư luận hết sức bức xúc.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, khoảng 9 giờ 30 phút ngày 6-11-2014, trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội (đoạn đối diện Viện Y học cổ truyền Việt Nam, hướng Hà Đông - Ngã Tư Sở), 2 thanh sắt dài hơn chục mét từ trên giàn giáo bắc qua đường Nguyễn Trãi thuộc công trình thi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông rơi xuống đè chết anh Nguyễn Như Ngọc (SN 1981, chiến sĩ công an huyện Gia Lâm). Hai người bị thương được cấp cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Việt Nam là ông Nguyễn Trọng Phong (54 tuổi) và vợ là bà Lê Thị Hồng (49 tuổi, trú quận Hà Đông, Hà Nội).
Tiếp đó rạng sáng 28-12-2014, công trình xây dựng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tiếp tục bị sự cố nghiêm trọng khi giàn giáo đổ bê-tông bất ngờ đổ sập xuống đường khiến 1 taxi chở chở 3 nữ hành khách bẹp đầu. Nơi xảy ra sự cố chỉ cách tai nạn chết người hơn 1 tháng trước khoảng 100 m.
Theo NLĐ