Hàng loạt quy định mới siết hoạt động Grab, Uber

Để tiếp tục hoạt động tại Việt Nam, bên cạnh các quy định như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các ứng dụng gọi xe bằng hình thức điện tử Grab, Uber sẽ phải đáp ứng các quy định về hoạt động thương mại điện tử và được Bộ Công thương xác nhận đã hoàn thành thủ tục đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Hàng loạt quy định mới siết hoạt động Grab, Uber - Ảnh 1

Bộ GTVT đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Dự thảo sửa đổi, bổ sung cho Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Bộ GTVT cho hay đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm một số nước đồng thời tổng kết đánh giá nội dung thí điểm ứng dụng công nghệ trong kết nối trong hoạt động vận tải sau 2 năm thực hiện. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Nghị định này. Về cơ bản dự thảo sẽ công nhận hoạt động của các loại hình taxi công nghệ như Uber/Grab và hình thức hợp đồng điện tử. Tuy nhiên hoạt động của các loại hình này cũng sẽ bị siết chặt trong thời gian tới.

Theo dự thảo, đối với hoạt động vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử phải đáp ứng các yêu như đối với điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Chẳng hạn như có đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật; dán phù hiệu “Xe hợp đồng” (đối với xe vận tải khách theo hợp đồng) và “Xe ô tô vận tải khách du lịch” (đối với xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch); Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử có sức chứa dưới 8 chỗ ngồi (kể cả người lái) có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ ngày sản xuất).

Dự thảo mới quy định, xe ô tô sử dụng hợp đồng vận tải điện tử (trong đó có Uber/Grab) sẽ phải niêm yết biểu trưng (logo) của đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử trên kính phía trước và kính phía sau xe. Điều này có nghĩa trong thời gian tới, các xe chạy dịch vụ Uber/Grab sẽ buộc phải dán logo dịch vụ.

Một nội dung quan trọng được nhắc đến trong dự thảo Nghị định này đó là các quy định đối với đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử. Theo đó, để được cấp phép hoạt động, các đơn vị này phải được cấp Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong đó có ngành nghề phù hợp để hoạt động về thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận: Ứng dụng đã hoàn thành thủ tục đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công Thương.

Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hình thức hợp đồng, du lịch, taxi mới được sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.

Phải đăng ký với Bộ GTVT trước khi cung ứng dịch vụ các nội dung gồm: địa chỉ trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam; người đại diện theo pháp luật; số điện thoại giao dịch; số tài khoản giao dịch tại Ngân hàng có trụ sở hoặc trụ sở chi nhánh tại Việt Nam; địa chỉ trang web hoặc ứng dụng truy cập vào phần mềm, giao diện chính của phần mềm (gồm: giao diện của đơn vị cung ứng dịch vụ kết nối; giao diện dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải; giao diện dành cho lái xe và giao diện dành cho người thuê vận tải); nội dung mẫu hợp đồng vận tải điện tử mẫu; biểu trưng (logo); quy trình thực hiện giao kết hợp đồng điện tử; quy định về tiếp nhận, giải quyết phản ánh, khiếu nại của hành khách.

Phải ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ sử dụng phần mềm và chỉ được cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, taxi và vận tải hàng hóa) có nhu cầu sử dụng phần mềm để kết nối hợp đồng vận tải điện tử, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bên trong việc quản lý điều hành phương tiện, lái xe, giải quyết khiếu nại, bồi thường thiệt hại (nếu có) của hành khách và thực hiện chi trả các khoản thuế, phí; các điều khoản dừng cung cấp dịch vụ khi vi phạm.

Các đơn vị này không được cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử cho hộ kinh doanh vận tải, phương tiện cá nhân và các phương tiện không kinh doanh vận tải.

Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Cung cấp thông tin điện tử về Tổng cục Thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Phải thực hiện bảo mật thông tin cá nhân của hành khách và thông tin của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải sử dụng dịch vụ để cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin tối thiểu của chuyến đi theo quy định, gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản giao kết hợp đồng của hành khách và gửi thông tin về hóa đơn điện tử về Tổng cục Thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Ngoài ra, các quy định cụ thể và trực tiếp đối với đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện Hợp đồng vận tải điện tử đó là phải ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bên trong việc quản lý điều hành phương tiện, lái xe, giải quyết khiếu nại, bồi thường thiệt hại (nếu có) của hành khách và thực hiện chi trả các khoản thuế, phí; các điều khoản dừng cung cấp dịch vụ khi vi phạm.

Chỉ được sử dụng dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử của các đơn vị cung cấp đã đăng ký và được Bộ Công Thương xác nhận theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.

Trong quá trình thực hiện vận tải hành khách, đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe phải có công cụ trên xe để truy cập được giao diện thể hiện các nội dung của hợp đồng vận tải điện tử.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/cong-nghe-360/o-to-xe-may/hang-loat-quy-dinh-moi-siet-hoat-dong-grab-uber-163268.ict