Hàng loạt chiến hạm Nga “biến mất” khỏi cảng Syria

VietTimes -- Hàng loạt tàu chiến Nga đã rời khỏi cảng Tartus của Syria, theo hình ảnh vệ tinh do hãng Image Satellite Internacional công bố.
Chiến hạm Nga
Chiến hạm Nga
Trên một trong các bức ảnh có thể thấy ở cảng có 7 tàu, hai tàu chống ngầm Grachonok và hai tàu động cơ diesel. Trên bức ảnh thứ hai chụp ngày 11/4, có thể thấy hầu hết các tàu đã không còn ở Tartus, tại cảng chỉ có một tàu ngầm.

"Đa số các tàu của Hải quân Nga tại cảng Tartus, Syria đã biến mất. Hiện tại các tàu Hải quân Nga đang triển khai trên biển do các vụ tấn công tiềm năng trong tương lai. Chỉ còn lại một tàu ngầm Kilo, chú thích bức ảnh cho biết.

Thông thường, hải quân Nga triển khai 12 chiến hạm và tàu vận tải ở Tartus. Việc các tàu chiến rời cảng Tartus được cho là biện pháp đề phòng, sẵn sàng đối phó với một cuộc không kích nhằm vào các cơ sở quân sự của chính phủ Syria.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ có vẻ đang ráo riết chuẩn bị cho một đợt tấn công nhằm vào Syria, sau khi Mỹ và phương Tây liên tục cáo buộc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta hôm 7/4 khiến khoảng 70 người thiệt mạng.

Hiện không có xác nhận chính thức của Bộ Quốc phòng Nga về vấn đề này.

Trong khi cựu Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Masorin tuyên bố trên kênh truyền hình Zvezda rằng ngư lôi Nga đủ sức phá hủy khu trục hạm Mỹ Donald Cook. 
"Tôi không nghĩ rằng sự việc sẽ dẫn đến chỗ cần phải đánh chìm Donald Cook. Nhưng nếu cần thì ngư lôi là thứ vũ khí rất hiệu quả, phá vỡ tàu và làm ra lỗ hổng lớn, đó là thiệt hại nghiêm trọng. Dễ hiểu là người ta sẽ gây áp lực lâu dài chán ngấy với chúng ta, nhưng chiến tranh là điều nguy hại, trước hết là với  người Mỹ. Họ sống trong một thế giới hoàn toàn khác, theo kiểu khác. Vì vậy, không cần sợ hãi,  bây giờ người Mỹ đang có khúc xương trong cổ họng rồi", Đô đốc Masorin nhận xét.
Ngày 10/4, khu trục hạm Mỹ Donald Cook trang bị 60 tên lửa hành trình Tomahawk đã đến cách thành phố Tartus của Syria 100 km. Một cụm binh lực mạnh của Mỹ cũng đang gấp rút hình thành trên biển Địa Trung Hải.
Theo SP