Hằng Du Mục có doanh số bán hàng "khủng" trên TikTok Shop

Xếp thứ 3 trong các shop có doanh số cao nhất của ngành hàng bách hóa thực phẩm trên sàn bán lẻ trực tuyến, gian hàng mang tên Hằng Du Mục - HANGKAT đạt tới 58,1 tỷ đồng, tăng trưởng đến 312% so với cùng kỳ năm 2024.
Gian hàng trực tuyến của Hằng Du Mục lọt top 3 gian hàng có doanh số cao nhất trong quý I/2015 ngành hàng bách hóa thực phẩm.

Hằng Du Mục vào top thương hiệu trên sàn thương mại

Ngày 21/4, nền tảng phân tích dữ liệu Metric.vn vừa công bố báo cáo tổng quan thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý I/2025 và dự báo quý II/2025.

Báo cáo này hé lộ doanh số khủng của gian hàng mang thương hiệu cá nhân Hằng Du Mục với doanh số 58,7 tỷ đồng (mức tăng 434,4%). Gian hàng Hằng Du Mục - HANGKAT đứng thứ ba về shop có doanh số cao nhất ngành hàng bách hóa thực phẩm, đạt mức tăng trưởng đến 312% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 58,1 tỷ đồng. Doanh số shop online của Hằng Du Mục chỉ đứng sau gian hàng trực tuyến của Ensure và Vinamilk_offical.

Trong khi tính về thương hiệu, với doanh số 58,7 tỷ đồng trong quý I/2025 (tăng tới 434% so với cùng kỳ) thương hiệu cá nhân Hằng Du Mục lọt bảng top 5, bên cạnh những tên tuổi doanh nghiệp lớn trong nước

Bảng xếp hạng top 5 thương hiệu (trái) và top 3 gian hàng có doanh số cao nhất trong quý I/2015, ngành hàng bách hóa thực phẩm. Ảnh chụp từ báo cáo của Metric.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Hằng Du Mục tên thật là Nguyễn Thị Thái Hằng (SN 1995, quê Cà Mau). Trên TikTok, Thái Hằng có gần 5 triệu người theo dõi và con trong khi trên Facebook là 2,2 triệu.

Hằng Du Mục còn được gọi là "bà trùm táo đỏ" bởi trong mỗi phiên livestream, táo đỏ của Hằng Du Mục liên tục được bán ra với số lượng lớn. Trên TikTok, táo đỏ Tân Cương cũng là mặt hàng bán chạy nhất của Hằng Du Mục.

Ngoài táo đỏ, Hằng Du Mục còn kinh doanh đa dạng các mặt hàng trên livestream ở nhiều lĩnh vực như đồ gia dụng, nội thất, điện tử, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, làm đẹp...

Đầu tháng 4/2025, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs cùng 3 người khác bị khởi tố liên quan tới vụ sản xuất kẹo Kera giả, lừa dối khách hàng.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Cũng theo báo cáo của Metric.vn, Tiki đang "mất hút" trên bản đồ sàn thương mại điện tử Việt Nam. Thị trường thương mại điện tử quý I/2025 ghi nhận sự thay đổi về cấu trúc thị phần, phản ánh rõ nét xu hướng dịch chuyển hành vi mua sắm sang các nền tảng giải trí - mua sắm tích hợp.

TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng doanh số mạnh 113,8% so với cùng kỳ, nâng thị phần từ 23% lên 35%, cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hình thức mua sắm giải trí qua video ngắn. Shopee tăng trưởng 29,3%, đồng thời thị phần lại giảm từ 68% còn 62%, phản ánh sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Ngược lại, Lazada và Tiki lần lượt mất 43,5% và 66,6% doanh số.

Quý I/2025, Tiki không còn giữ thị phần doanh số các sàn thương mại điện tử, theo đánh giá của Metric. Ảnh chụp từ báo cáo của Metric.

Đặc biệt, báo cáo cũng ghi nhận quý đầu năm 2025, thị phần doanh số của Tiki đã về bằng 0. Sân chơi thương mại điện tử hiện chỉ còn Shopee, TikTok Shop và Lazada.

Bức tranh tăng trưởng là sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa các nhà bán nhỏ lẻ và các đơn vị quy mô lớn, đồng thời cho thấy sự thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng và cấu trúc thị phần các sàn.

Theo báo cáo của Metric.vn, người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm tầm trung, thắt chặt chi tiêu với phân khúc cao cấp. Trong đó, phân khúc sản phẩm có giá 100.000 - 200.000 đồng ghi nhận tăng trưởng rõ rệt, chiếm tỷ trọng lớn nhất cả về doanh số lẫn sản lượng trong quý I/2025. Người tiêu dùng đang có xu hướng ưu tiên các sản phẩm có mức giá hợp lý, phù hợp với thu nhập trung bình và nhu cầu thiết yếu.

Ngược lại, nhóm sản phẩm có giá từ 1 triệu đồng trở lên lại giảm thị phần doanh số từ 19,4% xuống 17,2%, cho thấy người tiêu dùng đang trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu.

Dữ liệu từ sàn Shopee cho thấy các kho hàng tại TP Hà Nội và TP.HCM tiếp tục đóng vai trò trung tâm vận hành thương mại điện tử khi chiếm tới 81% tổng doanh số từ tất cả các kho hàng nội địa.

Tuy nhiên, nhiều tỉnh thành khác như Bình Dương, Đà Nẵng, Nam Định lại ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh số vượt trội, phản ánh xu hướng mở rộng và phân tán hoạt động logistics ra ngoài hai đầu cầu kinh tế lớn.