Hạn chế "nạn" người người, nhà nhà làm du lịch

VietTimes -- Du lịch là mũi nhọn nhưng không phải là mũi nhọn của mọi địa phương, mà chỉ tập trung ở các tỉnh, vùng có lợi thế về du lịch. Đồng thời, việc phân định các công việc về phát triển du lịch ở cấp Nhà nước, xã hội hay tư nhân cần phải làm rõ, có như vậy ngành du lịch mới phát triển được.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiều 14/9, tại buổi cho ý kiến về việc xây dựng Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn do Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT-DL soạn thảo, nhiều ý kiến cho rằng muốn phát triển được du lịch trước mắt cần phải cải thiện vệ sinh môi trường.

Ông Vũ Quang Minh, đại diện Bộ Ngoại giao nhận định: “Địa phương nào cũng muốn phát triển du lịch. Nhưng nếu cứ dàn trải, ở đâu cũng đòi là điểm đến thì không thúc đẩy phát triển chung được". Đồng thời, ông cảm thấy du lịch Việt Nam tụt hậu so với nhiều nước, bởi khách đến Việt Nam nhưng không quay lại là vì vệ sinh môi trường. Còn Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Huỳnh Văn Tí nhận xét, môi trường là vấn đề nhức nhối ảnh hưởng đến du lịch, đơn cử việc xây dựng tiêu chuẩn khách sạn phải sạch sẽ nếu khách sạn không xanh, không hợp lý thì không thu hút được khách du lịch. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu xây dựng đề án phải nhìn thẳng vào thực trạng ngành du lịch, không tô hồng. Bộ VH-TT-DL phải tiến hành nghiên cứu thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch trong giai đoạn 2016- 2020 có tầm nhìn tới năm 2030 dựa trên 3 trọng điểm là: Hạ tầng; xác định loại hình du lịch và sản phẩm du lịch; hoàn thiện thể chế chính sách phát triển du lịch.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, đây là nỗi bức xúc chung. Trước mắt, nếu chỉ cần tập trung giữ vệ sinh thật tốt cũng kéo được khách du lịch đến. Ông yêu cầu khi Đề án được hoàn thiện và thực hiện thì phải giải quyết được các vấn đề bất cập hiện nay của du lịch như: Phải xóa bỏ được 7 nỗi sợ của khách du lịch khi tới Việt Nam, đó là sợ cướp giật, sợ trộm cắp, sợ kẹt xe, sợ tai nạn giao thông, sợ thái độ phục vụ du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường; phải tạo thuận lợi hơn khi cấp visa, tiến tới cấp visa điện tử và hạ phí cấp visa; nâng mức phí du lịch để đáp ứng nhu cầu bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa - du lịch.