Hải quân Nga: tàu ngầm tương lai sẽ có vũ khí hiện đại và độ bảo mật cao nhất

VietTimes -- Cựu tư lệnh trưởng Hạm đội Baltic, đô đốc Vladimir Valuev bình luận về hướng phát triển hệ thống tàu ngầm Nga trong tương lai. Theo ông, tàu ngầm Nga sẽ rất im lặng, trang bị vũ khí hiện đại nhất và có thể cơ động chiến đấu trên khoảng cách lớn, có thời gian hoạt động ngầm dài và lặn sâu.
Ngư lôi, tàu ngầm không người lái động cơ nguyên tử Poseidon. Ảnh minh họa TV Zvezda
Ngư lôi, tàu ngầm không người lái động cơ nguyên tử Poseidon. Ảnh minh họa TV Zvezda

Trả lời cuộc cuộc phỏng vấn với TV Zvezda, cựu tư lệnh trưởng Hạm đội Baltic, Đô đốc Vladimir Valuev, cựu thủy thủ tàu ngầm, có tổng thời gian dưới lòng biển tổng cộng đến 10 năm, bình luận về sự thay đổi của lực lượng tàu ngầm Nga, với sự xuất hiện của tàu ngầm không người lái Poseidon.

Theo ông, sự phát triển của công nghệ hiện nay cho phép tàu ngầm diesel có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu mà trước đây chỉ có tàu ngầm hạt nhân mới có thể làm được, nhờ những trang thiết bị mà tàu ngầm Nga sẽ được biên chế trong tương lai.

Ông cho biết: sự xuất hiện của Poseido khiến tiềm năng chiến đấu của lực lượng tàu ngầm tăng lên rất lớn. Nhờ tốc độ cao của vũ khí này, ngay cả khi bị đối thủ phát hiện, họ cũng không có thời gian để đưa phương tiện đánh chặn USV dưới nước. Cả khi tàu ngầm tấn công mang ngư lôi xuất hiện trong khu vực hoạt động của Poseidon, đạn ngư lôi cũng không đuổi kịp. Tính năng kỹ chiến thuật của ngư lôi Poseidon là duy nhất, uy lực của vũ khí cũng chưa có loại nào tương đương. Đương lượng nổ của đầu đạn mang theo không chỉ có sức phá hủy rất lớn mà còn có thể tạo ra thảm họa thiên nhiên.

Trong tương lai, sẽ có nhiều phương tiện chiến đấu không người lái dưới nước. Nhưng theo tư lệnh trưởng hạm đội Baltic, vũ khí không người lái chỉ nên chế tạo sử dụng một lần, trong tình huống là phương tiện mang vũ khí sử dụng nhiều lần thì cần có sự hiện diện của con người nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho vũ khí và phương tiện.

Ông cho biết, ngư lôi Poseidon có khả năng hoạt động ở độ sâu đến 1km, có nghĩa là khung sườn và vỏ tàu phải chịu được áp lực trên 100 atmosphere. Điều đó chỉ có được khi thân phương tiện mang được làm bằng titan. Đây là một giải pháp công nghệ rất đắt. Tình huống này khiến cho các tàu ngầm khác, bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân chiến lược không phù hợp khi chế tạo để hoạt động ở độ sâu như vậy.

Các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược, chỉ có thể phóng được ở độ sâu đến 60m nước. Sự cần thiết phải lặn xuống từ 400 đến 600m diễn ra khi tàu ngầm đã phóng hết tên lửa và buộc phải cơ động để lẩn tránh sự săn đuổi của kẻ thù. Ở độ sâu lớn, chỉ cần một sơ xuất hoặc một vết rạn thân tàu cũng có thể dẫn đến thảm họa.

Đô đốc Vladimir Valuev kể lại, ông đã chứng kiến một trường hợp chỉ có một vết nứt bằng nửa que diêm, khi tàu ngầm từ độ sâu 300m nổi lên đến 60m đã có tới 12 tấn nước ập vào trong tàu. Lượng nước này có thể làm ngập bảng điện và gây đoản mạch. Thông thường, tàu ngầm nguyên tử hoạt động ở độ sâu 150-200m, ở 300m áp lực nước có thể làm bật tung các nắp thép gắn chặt. Do đó, tàu ngầm nguyên tử chỉ có thể xuống độ sâu đó khi ở chế độ chiến đấu cấp 1 và chỉ trong khoảng thời gian từ 10-12 giờ.

Hiện nay Nga đang phát triển tàu ngầm động cơ yếm khí, rất cần thiết cho sự phát triển các tàu ngầm phi nguyên tử tương lai. Các tàu ngầm phi hạt nhân sẽ dần chiếm lĩnh các nhiệm vụ của tàu ngầm nguyên tử. Hiện nay, các tàu ngầm phi hạt nhân đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu vực hoạt động của tàu ngầm nguyên tử, nhưng trong tương lai sẽ thực hiện các nhiệm vụ trong vùng nước ven biển của đối phương, trên tuyến đường cơ động của tàu ngầm kẻ thù từ căn cứ ra biển và ngược lại cùng nhiều nhiệm vụ khác mà trước đây, tàu ngầm nguyên tử đảm nhiệm. Trong nhiều tình huống, khi tàu ngầm nguyên tử có tiếng ồn lớn, tàu ngầm phi hạt nhân sẽ đảm nhiệm thay thế do hoạt động trong trạng thái hoàn toàn im lặng.

Theo đô đốc Vladimir Valuev, trong tương lai, hạm đội tàu ngầm Nga tiếp tục hoàn thiện các loại vũ khí, tàu ngầm trở lên đa nhiệm hơn và ngày càng im lặng hơn.

Tàu ngầm không chỉ chống ngầm, tấn công chiến hạm nổi mà còn có thể tấn công mặt đất và làm nhiều nhiệm vụ khác nữa như trạm trung chuyển thông tin liên lạc, phương tiện rà phá thủy lôi và bảo vệ căn cứ ven biển, các đoàn vận tải quân sự...

Hải quân cũng phát triển các thiết bị phát hiện tàu ngầm trên các dấu hiệu không phải thủy âm. Hiện nay, sonar phát hiện tàu ngầm dựa trên tiếng động chân vịt, nhưng trong tương lai có thể phát hiện được nhờ những dao động tần số thấp, xuất phát từ các trang thiết bị tàu ngầm và lan tỏa trên khoảng cách lớn. Ngoài ra, các bức xạ radar bước sóng dài cũng có khả năng xuyên thấu mặt nước và phát hiện ra tàu ngầm. Những thiết bị tương tự đã có, trong thời gian tới có thể được trang bị cho các tàu ngầm.

Một trong những vấn đề then chốt của lực lượng tàu ngầm là các phương tiện cứu hộ dưới biển sâu. Trong tương lai, các khoang cứu hộ tàu ngầm và phương tiện cứu hộ dưới biển sẽ hoàn thiện hơn, đảm bảo không còn nguy hiểm khi các tàu ngầm cơ động ở độ sâu chiến đấu dưới lòng đại dương.

Tàu ngầm nguyên tử Nga phóng loạt tên lửa hạt nhân chiến lược. Video TV Zvezda
Tàu ngầm diesel- điện 636.3 lớp Kilo trong ụ nổi chế tạo. Video TV Zvezda
Các thiết bị lặn ngầm độ sâu lớn Nga, trong đó thiết bị Rus, có thể đạt đến hơn 8km. Video TV Zvezda