Đại gia Bất động sản thu lớn từ cho vay
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014, hầu hết các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch đề ra của HĐQT, ngày càng khẳng định vị thế đại gia đầu ngành bất động sản, nông nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, tập đoàn đã cán đích với lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 1.773,977 tỷ đồng, tăng 775,473 tỷ so với năm 2013, vượt xa mục tiêu lợi nhuận Bầu Đức đặt ra trong năm là 1.460 tỷ.
Đây không phải là kết quả quá bất ngờ khi tập đoàn đã hoàn thành chỉ tiêu năm 2014 trong 3 quý đầu với lợi nhuận lũy kế tính đến quý III là 1.653 tỷ đồng.
Các chỉ số tài chính chưa phản ánh được hết những điều mà HAGL đã làm được trong năm qua. Tuy nhiên, những thương vụ đầu tư mạnh tay tại nước ngoài về bất động sản, nông nghiệp hay lâm nghiệp chưa đem lại “quả ngọt” cho Tập đoàn này, lợi nhuận gộp cả năm chỉ tăng 30 tỷ đồng.
Mỏ lợi nhuận nằm chủ yếu từ hoạt động tài chính của tập đoàn. Trong năm 2014, HAGL thu về 1.448,9 tỷ đồng từ các hoạt động tài chính, bằng 48,7% doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ. Doanh thu hoạt động tài chính năm 2014 tăng 485.8 tỷ so với năm 2013, trong đó, lãi cho vay các công ty khác tăng 488.5 tỷ (từ 164 tỷ lên 652 tỷ).
Hiện tại, công ty vay nợ lớn nhất của HAGL là Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản An Phú với số nợ lên đến 4.087 tỷ tính đến 31/12/2014 ( cùng kỳ năm 2013 là 3636 tỷ với lãi suất 13%/ năm) và số lãi phải thu từ công ty này là 286 tỷ ( chiếm 58,5 % lãi vay phải thu từ các công ty vay từ tập đoàn).
Trong khi cho An Phú vay với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng vào năm 2013 và tiếp tục rót thêm hơn 400 tỷ đồng trong năm 2014 nhưng HAGL lại thoái vốn khỏi công ty này bằng việc chào bán gần 33/35,9 triệu cổ phiếu nắm giữ tại An Phú vào tháng 11/2013 (tương ứng gần 330 tỷ đồng).
Mục đích chào bán cổ phiếu An Phú nằm trong kế hoạch tái cấu trúc và cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh bất động sản của HAGL giai đoạn 2013 – 2015. Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai chuyển từ chủ sở hữu lớn nhất của An Phú (trước đó, tập đoàn sở hữu 99,9% cổ phần tại An Phú) thành chủ nợ của An Phú.
Mạnh tay chi cho An Phú vay với số tiền lớn như vậy nhưng HAGL cũng đang đứng trước áp lực phải thanh toán khoản nợ là trái phiếu dài hạn đến hạn trả trong năm 2015 lên đến 3.980 tỷ đồng.
Tập đoàn cũng phải vay thêm ngân hàng 1.600 tỷ đồng và nợ từ trái phiếu thường trong nước tăng 2.390 tỷ trong năm 2014 để duy trì cho hoạt động kinh doanh của mình khiến cho tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ 1,33 lên 1,42 trong năm 2014. Liệu rằng đây có phải bước đi đúng đắn của Bầu Đức cũng như các cổ đông của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trong kế hoạch tái cấu trúc và cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh giai đoạn 2013 – 2015?
Bành trướng tại Đông Nam Á nhưng chưa đem lại lợi nhuận lớn
2014 là một năm có nhiều biến động đối với HAGL trong việc đẩy mạnh mở rộng địa bàn kinh doanh ra các nước lân cận như Lào, Campuchia hay Thái Lan - những mảnh đất đầy tiềm năng mà Hoàng Anh Gia Lai đã nhắm đến từ trước đó.
HAGL hiện là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn nhất ở Lào với số vốn 1,2 tỷ USD. Ngoài dự án cụm công nghiệp mía đường, các dự án thủy điện, nhà máy chế biến gỗ, trồng rừng cao su, xây dựng bệnh viện, trường học, tập đoàn còn đầu tư phát triển thêm trong nông nghiệp với việc nuôi bò.
Trong năm 2014, HAGL đã nuôi 10.000 con bò tại Attapeu, theo kế hoạch, trong năm 2015, HAGL sẽ nâng tổng đàn bò Úc tại Lào lên 80.000 con. Trong tương lai, chăn nuôi bò sẽ trở thành ngành mũi nhọn của tập đoàn. Tiếp tục với dự án xây dựng sân bay quốc tế Attapeu, HAGL tài trợ và cho chính phủ Lào vay thêm 352 tỷ trong năm 2014, nâng tổng số tiền cho vay lên 468 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sau 19 tháng, HAGL đã rót 2.717 tỷ (chiếm khoảng 30% tổng số vốn dự kiến đầu tư), tăng thêm 1.318 tỷ so với cùng kỳ năm 2013 đầu tư vào dự án “Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center” với tổng diện tích lên đến 73.358 m2 tại khu vực đắc địa nhất Yangon, thành phố lớn nhất, năng động nhất, trung tâm kinh tế – tài chính và là cửa ngõ quan trọng nhất đón du khách quốc tế của Myanmar.
Tuy nhiên, HAGL cũng gặp không ít rắc rối trong việc đầu tư tại nước ngoài. Tháng 4 năm ngoái, đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết sẽ dừng tất cả “công việc khai thác” và các hoạt động khác tại 7 đồn điền cao su ở Campuchia từ 1/5 đến 30/11/2014 do những cáo buộc liên quan đến khai thác trái phép và chiếm dụng đất của dân địa phương.
Mở rộng địa bàn đầu tư nhưng doanh thu từ dự án tại các nước ASEAN của HAGL vẫn chưa thực sự lớn, doanh thu từ bán đường chỉ tăng tăng khoảng 203 tỷ cả năm, doanh thu từ bán điện giảm 120 tỷ, doanh thu bán mủ cao su quý 4 giảm 36 tỷ, tổng cả năm giảm 14 tỷ.
Theo ANTT