Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết luận tội ông Trump: Điều gì đáng chú ý nhất?

VietTimes -- Hạ viện Mỹ mới có thêm một bước tiến lớn trong nỗ lực biến Tổng thống Donald Trump thành vị Tổng thống thứ 3 bị luận tội trong lịch sử nước Mỹ, khi thông qua các quy trình điều tra luận tội công khai trước dư luận chỉ trong vài tuần lễ.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi phát biểu trước cuộc bỏ phiếu (Ảnh: Politico)
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi phát biểu trước cuộc bỏ phiếu (Ảnh: Politico)

Nghị quyết trên, đặt ra các quy định về các phiên điều trần và thẩm vấn nhân chứng một cách công khai, đã nhận được 232 phiếu thuận trên 196 phiếu chống. Phía đảng Dân chủ chỉ có riêng 2 thành viên bỏ phiếu chống là nghị sĩ Collin Peterson và Jefferson Van Drew.

Đảng Dân chủ đã tổ chức cuộc bỏ phiếu trên như một bước đi nghiêm túc nhằm thể hiện vai trò hợp hiến của Hạ viện như một nhánh độc lập của chính phủ Mỹ.

"Đó là một điều cực kỳ tôn nghiêm, một điều sùng tín" - Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói trong bài phát biểu trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra - "Điều quan trọng là tất cả điều này đều là vì nền dân chủ của chúng ta".

Một điều lưu ý rằng, đảng Cộng hòa nắm giữ 53 ghế tại Thượng viện. Dù cho Hạ viện mà phe Dân chủ kiểm soát có luận tội ông Trump, ông vẫn sẽ không bị phế truất trừ khi có đủ 67 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại ông. Điều này có nghĩa rằng, phe Dân chủ cần phải lôi kéo được ít nhất 20 thượng nghị sĩ phe Cộng hòa kết hợp với 47 nghị sĩ của họ mới có thể khiến ông Trump bị phế truất.

Đảng Cộng hòa thì cho rằng các nghị sĩ đảng Dân chủ đang tìm cách phế truất một vị Tổng thống mà họ không thể đánh bại trong các cuộc bầu cử, thêm rằng việc họ tăng cường nỗ lực luận tội vào thời điểm chỉ 1 năm trước kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020 là hành động không phù hợp.

Các quy định trong nghị quyết mới được Hạ viện thông qua giúp thiết lập một quy trình chính thức để Ủy ban Tình báo Hạ viện tổ chức các phiên điều trần công khai trước dư luận, công bố lời khai của nhân chứng trong các phiên điều trần kín và đưa ra thông báo. Nó cũng đặt ra quy trình chuyển vụ điều tra cho Ủy ban Tư pháp Hạ viện, bên chịu trách nhiệm soạn thảo các điều khoản luận tội và gửi chúng cho Thượng viện.

Đảng Dân chủ hiện đang muốn chuyển sang thực hiện các phiên điều trần công khai - có khả năng là với cả những nhân chứng đã từng điều trần kín - vào thời điểm giữa tháng này.

Theo các quy định mới, các phiên điều trần mà Ủy ban Tư pháp thực hiện sẽ cho phép ông Trump cùng cố vấn của ông tham dự, đưa ra bằng chứng, đấu tố với các nhân chứng và đề nghị lấy lời khai. Nhưng nếu ông Trump không chịu hợp tác với đề nghị từ phía các ủy ban điều tra trong việc cung cấp nhân chứng và tài liệu, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler có quyền bác mọi đề nghị mà Tổng thống hay cố vấn của ông đưa ra.

Sau khi nghị quyết được thông qua, phía đảng Cộng hòa phản bác rằng bước đi mới của đảng Dân chủ cũng chẳng thay đổi được thứ mà họ gọi là một quy trình điều tra luận tội không công bằng.

Một con số được xem là đáng chú ý nhất trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vừa qua chính là: 0. Đây là con số phiếu thuận của các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Không một nghị sĩ đảng Cộng hòa nào bỏ phiếu thông qua nghị quyết thúc đẩy việc luận tội ông Trump.

Đây được xem là một chiến thắng với ông Trump, người đã ra sức vận động để giữ cho nội bộ đảng đoàn kết giữa "cơn lốc" luận tội của phe Dân chủ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nhiều khả năng vẫn có một số thành viên đảng Cộng hòa quay sang ủng hộ nỗ lực của phe Dân chủ vào ngày luận tội.

Theo CNN, The Hill