Hạ viện Mỹ công nhận hành động diệt chủng của đế chế Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng phẫn nộ

VietTimes -- Hạ viện Mỹ vừa tổ chức một cuộc bỏ phiếu với kết quả là đại đa số ủng hộ việc công nhận vụ thảm sát người Armenia xảy ra cách đây một thế kỷ là hành động diệt chủng. Đây là một cuộc bỏ phiếu chỉ mang tính biểu trưng, nhưng mang ý nghĩa lớn về mặt lịch sử, và lập tức bị Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng dữ dội.
Hai nghị quyết mà Hạ viện Mỹ thông qua vấp phải phản ứng phẫn nộ từ chính quyền Ankara (Ảnh: Reuters)
Hai nghị quyết mà Hạ viện Mỹ thông qua vấp phải phản ứng phẫn nộ từ chính quyền Ankara (Ảnh: Reuters)

Được thông qua với số phiếu thuận áp đảo 405/11, nghị quyết của Mỹ nhấn mạnh rằng họ coi vụ thảm sát 1,5 triệu người Armenia mà đế chế Ottoman gây ra trong khoảng thời gian từ 1915 đến 1923 là hành động diệt chủng. Đế chế Ottoman trước nằm trên vùng lãnh thổ mà nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc bỏ phiếu này cho thấy sự đồng thuận hiếm hoi giữa các nghị sĩ hai đảng tại Hạ viện Mỹ, và thể hiện rõ sự bất bình của giới lập pháp Mỹ đối với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc bỏ phiếu về sự kiện diệt chủng người Armenia, các nhà lập pháp đến từ hai đảng cũng đồng loạt ủng hộ một dự thảo nghị quyết kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lệnh trừng phạt đối Thổ Nhĩ Kỳ vì những hành động quân sự của họ ở miền Bắc Syria – một diễn biến có thể tiếp tục làm tăng căng thẳng mối quan hệ giữa hai nước.

Dù qua ải Hạ viện, nhưng cả hai dự thảo nghị quyết này sẽ cần phải được Thượng viện thông qua. Hiện chưa rõ thời điểm hai dự thảo nghị quyết được đem ra bỏ phiếu ở Thượng viện.

Thổ Nhĩ Kỳ từng thừa nhận rằng rất nhiều người Armenia sống dưới thời đế chế Ottoman đã bị giết hại trong các vụ đụng độ với các lực lượng của Ottoman trong Thế chiến I, nhưng phản bác về số người chết quá lớn, đồng thời bác bỏ luận điểm cho rằng các vụ giết hại được tổ chức có hệ thống và cấu thành hành động diệt chủng.

Chính quyền Ankara thậm chí coi sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề đề này như một mối đe dọa tới chủ quyền của họ.

Trong suốt nhiều thập kỷ, các nghị quyết nhằm công nhận hành động diệt chủng của đế chế Ottoman luôn bị “đóng băng” trong Quốc hội Mỹ, do giới lập pháp lo ngại rằng nó có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và cũng do chính quyền Ankara vận động hành lang rất gắt.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại lại khác. Giới lập pháp Mỹ trong vài tháng qua đã rất bất bình trước việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga bất chấp các đòn trừng phạt của Mỹ. Mới đây nhất, Ankara mở chiến dịch tấn công ở miền Bắc Syria hòng quét sạch người Kurd khỏi khu vực biên giới.

Ngay sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức chỉ trích kịch liệt cả 2 nghị quyết nêu trên, cho rằng nghị quyết công nhận hành động diệt chủng của đế chế Ottoman là “không có cơ sở về lịch sử và pháp lý”, thêm rằng: “Đây là một bước đi chính trị vô nghĩa, bên hưởng lợi duy nhất chính là nhũng người vận động hành lang của Armenia và các tổ chức chống Thổ Nhĩ Kỳ”.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng biện pháp trừng phạt nhằm vào họ - chủ yếu là các quan chức cấp cao và tướng lĩnh trong quân đội – là “đi ngược lại tinh thần khối của đồng minh NATO”, vi phạm một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria mà Ankara đạt được với chính quyền Trump vào ngày 17/10.

“Chúng tôi kêu gọi Quốc hội Mỹ không lợi dụng các vấn đề song phương để đối lấy lợi ích chính trị trong nước, và hành động phù hợp với tinh thần của khối đồng minh và quan hệ đối tác” – Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói trong một tuyên bố, thúc giục chính quyền Trump lập tức hành động để tránh gây tổn hại thêm mối quan hệ song phương.

Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria như một mối đe dọa an ninh. Rất nhiều thành viên của Quốc hội Mỹ tỏ ra phẫn nộ trước việc Ankara tấn công người Kurd – lực lượng giúp Mỹ trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Theo Reuters