Hà Nội: Từ 12h ngày 16/9, cửa hàng sách, cơ sở kinh doanh ăn uống ở 1 số nơi được hoạt động trở lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes - Bắt đầu từ 12h ngày mai (16/9), cửa hàng sách, đồ dùng học tập, cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, kinh doanh ăn uống ở các quận, huyện chưa có ca nhiễm được hoạt động trở lại.
Cán bộ kiểm tra nhiệt độ cho người bán hàng ở chợ (Ảnh - UBND Q. Ba Đình)
Cán bộ kiểm tra nhiệt độ cho người bán hàng ở chợ (Ảnh - UBND Q. Ba Đình)

Đây là thông tin được đưa ra trong công văn hoả tốc của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội gửi các quận, huyện về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố vào chiều nay, ngày 15/9.

UBND TP. Hà Nội cho biết: Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 14/9, thành phố đã cơ bản kiểm soát tốt dịch COVID-19. Số ca mắc tại cộng đồng trong 3 tuần gần đây toàn có xu hướng giảm, cơ bản hoàn thành xét nghiệm tầm soát diện rộng trên thành phố, tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 bao phủ cơ bản toàn bộ đối tượng trong diện tiêm chủng. Hiện thành phố có 1 quận nguy cơ rất cao (Thanh Xuân), 2 quận nguy cơ cao (Hoàng Mai, Đống Đa), 9 quận, huyện nguy cơ (Ba Đình, Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng) và 18 quận, huyện, thị xã còn lại ở mức bình thường mới.

Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Bí thư quận, huyện, thị ủy và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20; đánh giá, phân loại các vùng theo mức độ nguy cơ và có biện pháp phù hợp với từng vùng để “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”; rà soát các khu vực phong tỏa để thu hẹp quy mô, đảm bảo việc cách ly y tế trên địa bàn.

Người dân được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Người dân được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, từ 12h00 ngày 16/9, các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện chỉ thị số 20 ngày 3/9) cho phép một số cơ sở kinh doanh được hoạt động trở lại gồm: Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các cơ sở này phải hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với nhân viên, thực hiện 5K; quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp. Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Y tế phải phối hợp các đơn vị liên quan, bám sát chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, xây dựng hướng dẫn triển khai các tiêu chí, điều kiện, biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc phải kiểm soát được dịch bệnh, độ bao phủ vắc xin, ý thức chấp hành của người dân, liên tục theo dõi, đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.

UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phải phối hợp với các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng quét mã QR cho toàn bộ người dân, các nhà hàng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị,... trên địa bàn thành phố; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực của thành phố.

Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Công an thành phố cần phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục duy trì kiểm soát tại các chốt ra, vào thành phố; thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch; phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế triển khai nhanh các phần mềm quản lý di biến động dân cư và các dữ liệu phòng, chống dịch theo hướng tích hợp các dữ liệu liên quan vào mã công dân.