Hà Nội: Rối rắm chỉ đạo về nhà siêu mỏng, siêu méo

VietTimes – Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội phát đi chỉ đạo rối rắm của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng về xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch tồn đọng cũ trước năm 2005.
Một ngôi nhà “siêu mỏng” trên đường Trường Chinh (quận Thanh Xuân). Ảnh:Hà Nội mới
Một ngôi nhà “siêu mỏng” trên đường Trường Chinh (quận Thanh Xuân). Ảnh:Hà Nội mới

Theo đó, ông Hùng có có văn bản số 1758 hướng dẫn các quận, huyện về xử lý các trường hợp nhà đất nêu trên.

Cụ thể, UBND thành phố chấp thuận về nguyên tắc với đề xuất của Sở Xây dựng tại Văn bản số 79/BC-SXD ngày 29/3/2018 về xử lý, thu hồi các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại, gây phản cảm….

Việc thu hồi này để phục vụ mục đích công cộng – văn bản này cho biết.

Tuy nhiên, đồng thời với đó, trong hướng dẫn tại văn bản này, Phó chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu: “giữ nguyên trạng, hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề và xung quanh hoặc cấp phép có điều kiện đảm bảo an toàn, không gây phản cảm đối với các trường hợp công trình nằm đan xen với công trình xung quanh, những công trình mà người dân tự cải tạo, chỉnh trang trên cơ sở nguyên trạng cũ và những công trình nơi người dân sống, mưu sinh ổn định từ nhiều năm nay”.

Nói cách khác, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng hướng dẫn các địa phương trực thuộc được tự quyết định thu hồi, hoặc không thu hồi các diện tích nhà đất siêu mỏng, siêu méo còn lại sau khi thu hồi đất phục vụ mục tiêu phát triển của thành phố trước năm 2005.

Hà Nội: Rối rắm chỉ đạo về nhà siêu mỏng, siêu méo ảnh 1 Chỉ đạo đăng trên cổng thông tin điện tử UBND thành phố Hà Nội

Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 11/11/2016, “lập hồ sơ thu hồi phục vụ vào mục đích công cộng (xây dựng tường rào ngăn cách với các hộ dân liền kề, sử dụng để trồng cây xanh, công trình công cộng) đối với các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại (diện tích dưới 15m2 mà không hợp khối được với các công trình lân cận) và các trường hợp sau 30 ngày không thực hiện được việc hợp thửa, hợp khối; có biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện”.

Văn bản này cũng yêu cầu các địa phương trực thuộc thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành Thành phố để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh tại địa phương trong quá trình thực hiện công tác quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, xử lý các trường hợp không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng.

Sau khi đã chỉ đạo cho phép thu hồi, hoặc duy trì nhà siêu mỏng, siêu méo, văn bản của UBND thành phố “chốt” tiếp: “Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý”.

Để đỡ trách nhiệm cho địa phương, văn bản này hướng dẫn “Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện việc xử lý các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh tại địa phương trong quá trình thực hiện công tác quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, xử lý các trường hợp không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng.

Sở TNMT hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện thu hồi đất ngoài chỉ giới (với các thửa đất nguồn gốc đất khác nhau: Đất nông nghiệp, đất lưu không, nhà đất đã mua theo Nghị định 61...).

Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì lập thẩm định thiết kế kiến trúc hai bên tuyến đường, hướng dẫn UBND các quận, huyện quản lý, tổ chức thực hiện theo quy định.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 302 nhà "siêu mỏng, siêu méo" được xây dựng từ năm 2002, 2003. Đến nay mới xử lý được 170 trường hợp, còn tồn đọng 132 trường hợp.