Hà Nội chốt vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng

Phương án này về cơ bản có khối lượng giải phóng mặt bằng ít, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu vực phố cổ và phố cũ...

UBND TP Hà Nội vừa trình Chính phủ phương án đặt vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) cách cầu Long Biên về phía thượng lưu 75m.

Trước đó, Hà Nội đồng ý với phương án đặt vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) cách cầu Long Biên về phía thượng lưu 75m.

Tuyến đường sắt đô thị này đi trùng với nền tuyến đường sắt quốc gia dọc đường Phùng Hưng, sau đó chuyển hướng đi vào đường Hàng Đậu, cắt qua đê sông Hồng và chợ Long Biên vượt qua sông Hồng, sau đó chuyển hướng đi trùng với tuyến đường săt quốc gia hiện có.

Phương án này về cơ bản có khối lượng giải phóng mặt bằng ít, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu vực phố cổ và phố cũ, kết nối với mạng lưới giao thông đô thị và mạng lưới giao thông công cộng khá thuận tiện và giảm bớt ảnh hưởng đến cầu Long Biên cũ.

Trước đó, ngày 28/10/2014, Thành phố cũng đã tổ chức "Hội thảo về phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1". Đa số ý kiến tại Hội thảo của các đại biểu đồng tình đối với phương án vị trí cầu cách cầu Long Biên cũ 75m về phía thượng lưu.

Cũng tại buổi Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết việc xây cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng phải đảm bảo 7 nguyên tắc là: (1) hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đồng thời đạt được sự đồng thuận cao của nhân dân; (2) giữ nguyên cầu Long Biên và cảnh quan khu phố cổ khu vực đầu cầu; (3) hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng; (4) thuận tiện kết nối giao thông công cộng; (5) đảm bảo giao thông thủy, tính năng thông thuyền và thoát lũ sông Hồng; (6) đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật và (7) hiệu quả kinh tế xã hội của dự án.

Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi có dài 28 km là tuyến ưu tiên số 1 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2020.

Dự án được chia ra làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 xây dựng mới đoạn Giáp Bát-Gia Lâm có tổng chiều dài 15,36km. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 19.460 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA hơn 13.970 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng.

Theo Đầu tư