Hà Nội: Chính thức "cấm cửa" dịch vụ GrabShare và UberPool

VietTimes -- UBND TP. Hà Nội cho biết đã nhận được văn bản "tuýt còi" các hình thức đi chung của Uber và Grab, bày tỏ sự đồng thuận với Bộ GTVT về việc không chấp nhận việc xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe đối với xe hợp đồng và cũng đồng thời yêu cầu các sở, ngành liên quan không áp dụng hình thức này.

Theo quy định của Bộ GTVT, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết. Ảnh minh hoạ: Internet
Theo quy định của Bộ GTVT, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết. Ảnh minh hoạ: Internet

Theo quy định của Bộ GTVT, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết, không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.

Hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mọi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển khách. Hợp đồng vận chuyển hành khách phải có các nội dung cơ bản: Thời gian thực hiện hợp đồng; địa chỉ nơi đi, nơi đến; hành trình chạy xe chiều đi và chiều về (trong đó ghi rõ điểm khởi hành, lộ trình, các điểm đón, trả khách trên cả hai chiều, điểm kết thúc hành trình); số lượng hành khách; giá trị hợp đồng; các quyền lợi của hành khách và các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình.

UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan nghiên cứu chỉ đạo của Bộ GTVT; tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND TP theo quy định.

Trước đó, trong công văn số 6781/BGTVT-VT ký ngày 22/6, Bộ GTVT yêu cầu Uber và Grab không áp dụng dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng. Nguyên nhân của yêu cầu này được nhận định là do dịch vụ đi chung xe không phù hợp với quy định hiện hành. Cụ thể, theo Bộ GTVT, với mỗi chuyến xe hợp đồng, hành khách (hoặc nhóm) đã ký giao kết trọn gói cả chuyến xe, không phải là thuê chỗ ngồi nên việc đơn vị vận tải có thêm hợp đồng với nhiều người khác sẽ gây bất tiện cho hành khách. 

Bên cạnh đó, theo Thông tư số 63 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký một hợp đồng vận chuyển khách và quy định này được đưa ra nhằm bảo đảm quyền lợi cho hành khách, phòng ngừa những hệ lụy phát sinh trong quá trình thuê xe. 

Bộ yêu cầu Grab không thực hiện dịch vụ Grabshare và Uber không triển khai dịch vụ UberPool. Các đơn vị tham gia thí điểm khác cũng không triển khai dịch vụ tương tự đối với xe hợp đồng.

Để ngăn chặn các Uber và Grab thực hiện sai quy định, Bộ GTVT cho biết sẽ yêu cầu thanh tra giao thông ở địa phương tăng cường xử lý các xe cung cấp dịch vụ đi chung. Mức phạt cho lỗi vi phạm này là từ 4 đến 6 triệu đồng.

Được biết, vào tháng 5/2017, hãng Grab và Uber đã ra mắt dịch vụ đi chung xe với tên gọi GrabShare và UberPool. Dịch vụ trên được nhận định cho phép hành khách hưởng chi phí rẻ hơn khoảng 30% so với dịch vụ đặt xe thông thường, đồng thời giúp tài xế tăng thêm thu nhập nhờ kết hợp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe và giảm lượng xe lưu thông trên đường.