“Hạ nhiệt cho dế” hiệu quả trong quá trình sử dụng

VietTimes -- Điện thoại sẽ nóng lên từ thời điểm bạn bật nó lên và sử dụng; điều này là không thể tránh khỏi và hầu hết thì khá an toàn. Tuy nhiên, nếu điện thoại bị quá nhiệt có thể là một vấn đề nghiêm trọng, gây hư hỏng thiết bị và ảnh hưởng đến hiệu năng. 
Ảnh minh họa. Nguồn: AndroidPit
Ảnh minh họa. Nguồn: AndroidPit

Hãy cùng tìm hiểu các vấn đề quá nhiệt đó xuất phát từ đâu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức nào và cách hạn chế chúng! Điều này đặc biệt hữu ích khi mùa hè khô nóng sắp đến. 

Tại sao điện thoại thông minh ấm lên trong quá trình sử dụng?

Câu trả lời nằm trong một tính chất vật lý cơ bản: chuyển động tạo ra nhiệt. Điện thoại cần phải di chuyển các hạt vật chất bên trong kiến trúc của con chip vì vậy dĩ nhiên chúng tạo ra nhiệt. Khi đó, lượng nhiệt mà thiết bị sinh ra sẽ tỉ lệ thuận với lượng vật chất dịch chuyển bên trong giữa các thành phần, cũng như lượng vật chất được đưa vào từ pin để đảm bảo sự hoạt động của các thành phần.

Vì vậy khi bạn chơi một trò chơi đòi hỏi cấu hình cao của hệ thống, sẽ khiến bộ xử lý trung tâm và các thành phần xử lý đồ họa phải tính toán và chuyển đi nhiều thông tin hơn, điều này khiến cho thiết bị trở nên nóng hơn so với những tác vụ cơ bản khác.

Việc ấm lên là một điều bình thường, tuy nhiên nếu nó tỏa ra rất nhiều nhiệt khiến người dùng có cảm giác như sờ vào củ khoai lang nướng, khi đó đây sẽ là một vấn đề đáng để chúng ta phải quan tâm.

2. Tại sao những chiếc smartphone gặp hiện tượng quá nhiệt?

“Hạ nhiệt cho dế” hiệu quả trong quá trình sử dụng ảnh 1

Các nhà sản xuất đã phát triển xây dựng một con chip với những tinh chỉnh khá tuyệt vời và thiết kế cách đặc biệt để xử lý với nhiệt độ cao. Tuy nhiên, khi thiết bị của bạn gặp trường hợp nóng lên một cách đột ngột có khả năng gây nguy hiểm, vi xử lý sẽ giảm tốc độ xung, làm cho tốc độ vận hành của thiết bị trở nên chậm hơn nhằm giảm nhiệt độ, cũng như hiển thị thông báo để ngăn chặn việc sử dụng bởi nó có thể gây nguy hại ở mức độ nhất định. Vấn đề quá nhiệt có thể nằm ở việc quá tải phần cứng. GPU hoạt động quá lâu sẽ là con đường nhanh nhất khiến nhiệt độ tăng lên một cách đáng kể. Tương tự các ứng dụng đòi hỏi cấu hình cao cũng sẽ gây ra gánh nặng với CPU. Các tính năng đa nhiệm, widgets chạy ngầm, các kết nối Wi-Fi, Bluetooth…, những gì yêu cầu năng lượng để xử lý cũng sẽ làm ấm cả hệ thống và làm nóng pin.

Các yếu tố bên ngoài khác có thể dẫn đến tình trạng quá nóng: để điện thoại ra ngoài trời dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, hoặc để gần nguồn nhiệt nóng nào đó. Và ngay cả khi không thuộc một nguyên nhân nào kể trên, thì hãy nghĩ đến một vấn đề nào đó khiến một bộ phận phần cứng bên trong bị hư hại làm hệ thống hoạt động sai lệch cũng sẽ gây ra vấn đề không mong muốn này.

Một ví dụ tiêu biểu có thể kể đến là chipset Snapdragon 810 nổi tiếng. Đây là bộ xử lý hàng đầu vào năm 2015 và được ưu tiên sử dụng trên hầu hết các thiết bị hàng đầu. Thế nhưng, ngay từ những thiết bị đầu tiên ra mắt với bộ vi xử lý này, vấn đề về nhiệt liên tục được nhắc đến khi nó gây ra hiện tượng nóng máy. Trong khi đó, hiệu năng thay đổi từ thiết bị này sang thiết bị khác, con chip này đã phải hạn chế tốc độ xử lý để tránh gây nóng các thiết bị, điều này phải đánh đổi bằng mức hiệu năng thấp hơn.  Sony cũng gặp phải vấn đề này khi không ít các thiết bị của họ đều gặp vấn đề với Snapdragon 810 khiến họ thất bại trong một khoảng thời gian dài, thậm chí khi tung ra hàng loạt những bản sửa lỗi trong phần mềm cho Sony Xperia Z3+ cũng không khắc phục được vấn đề trên cho đến khi Snapdragon 820 xuất hiện.

Những ảnh hưởng của vấn đề quá nhiệt

“Hạ nhiệt cho dế” hiệu quả trong quá trình sử dụng ảnh 2

Pin

Trong những viên pin không thể sạc lại, bản chất của chúng là phản ứng hóa học một chiều để tạo ra nguồn điện và một khi hết thì chúng sẽ được thay thế bằng một viên pin khác tương tự. Tuy nhiên điều này chỉ thực sự hữu hiệu với các thiết bị tiêu thụ ít năng lượng điện như đồng hồ, điều khiển… Còn với các thiết bị hiện đại thông minh như điện thoại hay máy tính bảng thì đây quả là ác mộng. Bên trong điện thoại thông minh hiện đại, bạn sẽ tìm thấy một pin lithium-ion – một bước tiến thông minh của công nghệ. Một viên pin sạc cho phép phản ứng xảy ra theo hai chiều. Và vì thế mà việc một viên pin sạc sẽ là cách để tạo ra nguồn điện tốt, mà còn giúp tiết kiệm chi phí hữu hiệu.

Viên pin sạc sử dụng công nghệ Lithium-Ion có lẽ là loại pin tốt nhất ở thời điểm này với sự phát triển của công nghệ làm pin. Dù vậy, nó cũng có những điểm yếu. Thứ nhất, ngay cả khi không sử dụng thì dung lượng của pin cũng sẽ giảm xuống theo thời gian do sự thất thoát về năng lượng. Không những thế mà việc sạc pin dần dần sẽ khiến pin bị chai, mặc dù vấn đề này thường xảy ra khá chậm và phải mất đến 2 hoặc 3 năm trước khi bạn thay bằng một viên pin mới.

Thứ hai, là nó quá nhạy với nhiệt độ. Bất kì một nguồn nhiệt nào trên 30 độ cũng sẽ gây ra ảnh hưởng tới một viên pin Lithium-Ion và trong mỗi lần sạc, thiết bị có thể nóng đến 30 độ. Sức nóng tác động chính lên pin làm nó bị chai nhanh chóng và cạn kiệt hoàn toàn.

Hiện tượng quá nhiệt có thể khiến pin lithium-ion phát nổ. Gần đây báo chí đã đăng rất nhiều các sự việc đáng tiếc khi cháy nổ pin điện thoại đặc biệt khi vừa sạc vừa sử dụng, còn tỉ lệ pin tự phát nổ lại khá thấp. Nhiệt độ nóng lên một cách đột ngột mới có khả năng đủ để làm pin Lithium-Ion phát nổ, thế nhưng việc quá nhiệt ở smartphone trong thời gian dài khiến cho các chế độ bảo vệ bị hư hại cũng sẽ làm giảm mức bảo vệ này khiến nó nhanh chóng gặp các vấn đề kể trên hơn bao giờ hết.

Hệ thống con chip

Khi vấn đề quá nhiệt tác động trực tiếp đến hệ thống SoC, vi xử lý ngay lập tức sẽ giảm tốc độ xử lý của mình xuống để làm hạ nhiệt, và điều đó khiến cho thiết bị chậm chạp hơn, thậm chí không thể sử dụng. Đây không phải là lỗi của thiết bị mà là tính năng cho phép nó kích hoạt chế độ tự bảo vệ để đảm bảo an toàn. Nếu điện thoại rơi vào trạng thái quá nóng sẽ làm hỏng chip.

Mẹo bảo vệ smartphone khỏi tình trạng quá nhiệt

Pin

Điều tồi tệ nhất là bạn khiến pin tăng độ nóng khi nó được sạc đầy, do đó không phải cứ sạc đến 100% là tốt bởi trong quá trình sạc nó bị tăng nhiệt dần cho đến khi nó đạt 100%. Chính vì thế mà không nên để pin xuống mức pin quá thấp dù lý do gì đi chăng nữa. Thay vào đó, việc giữ ổn định viên pin trong khoảng 30% tới 80% là một điều tốt không những để tránh việc quá nhiệt, mà còn giúp tuổi thọ viên pin được giữ ở mức cao hơn.

Tiết kiệm năng lượng

Để phòng tránh vấn đề về nhiệt độ cũng như ngăn chặn tỉ lệ xảy ra các vấn đề quá nhiệt trên những chiếc smartphone và hệ thống chip, tốt nhất hãy hạn chế việc chơi game, sử dụng ứng dụng đòi hỏi cấu hình cao hay xem video trong thời gian dài vì chúng yêu cầu GPU hoạt động khá nhiều trong thời gian dài, hay đảm bảo rằng không có quá nhiều tính năng hoặc ứng dụng chạy đồng thời trong đa nhiệm, hoặc ngắt bớt các kết nối không cần thiết sử dụng để tránh việc năng lượng tiêu thụ trong khoảng thời gian quá lớn.

“Thoát y cho dế”

Gỡ các ốp bảo vệ màn hình nếu bạn có sử dụng. Lớp nhựa hoặc da bao quanh điện thoại có thể ngăn cản quá trình thoát nhiệt.

Bên cạnh đó, nếu bạn đang ở ngoài trời hoặc có ý định ra ngoài trời, đặt điện thoại của bạn ở nơi mát mẻ, đặc biệt là khi bạn sạc điện thoại.

Theo AndroidPit