Hà Nam: Đầu tư 200 tỷ đồng làm tuyến đường BT dài 1,86km

VietTimes -- Tuyến đường 68m địa bàn xã Liêm Chung, thành phố Phủ Lý có chiều dài khoảng 1,86km được tỉnh Hà Nam đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, với tổng mức đầu tư khoảng gần 200 tỷ đồng.
UBND Tp. Phủ Lý sẽ đóng vai trò là đại diện cơ quan Nhà nước trong hợp đồng BT đầu tư xây dựng tuyến đường 68m địa bàn xã Liêm Chung này.
UBND Tp. Phủ Lý sẽ đóng vai trò là đại diện cơ quan Nhà nước trong hợp đồng BT đầu tư xây dựng tuyến đường 68m địa bàn xã Liêm Chung này.

Tháng 1/2018, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 68m địa bàn xã Liêm Chung, thành phố Phủ Lý, hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT).

Theo đó, tuyến đường BT sẽ có tổng chiều dài khoảng 1,86km, điểm đầu Km0+00 giao với đường Lê Duẩn (đường 42m), điểm cuối Km1+862,36 giao với đường vành đai N2 (đường Lê Đức Thọ), mặt cắt ngang là 68m.

Tuyến đường này được chia ra làm 3 đoạn. Đoạn 1 (Km0+100-Km0+520) với chiều dài 420m, đoạn 2 (Km0+546,61-Km0+900,05) với chiều dài khoảng 353,44m, đoạn 3 (Km1+432,26-Km1+830,26) dài khoảng 398m.

Tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng 198 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 107,9 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 61,7 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng 12,1 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 5,3 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 1,8 tỷ đồng; chi phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa 2,9 tỷ đồng; chi phí khác 6,057 tỷ đồng.

Lưu ý rằng trước đó, tổng mức đầu tư của tuyến đường đã được dự kiến ở mức 183,3 tỷ đồng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, con số tổng mức đầu tư này đã được điều chỉnh lên mức 198 tỷ đồng - tức là tăng khoảng 14,7 tỷ đồng.

Theo thiết kế đô thị trục đường 68m được phê duyệt ngày 22/9/2017 thì trục đường 68m có vị trí từ nút giao trục đường 42m Khu Đại học Nam Cao đến tuyến đường 30m thuộc Quy hoạch Khu trung tâm y tế chất lượng cao, tổng chiều dài khoảng 11km.

Đây là tục đường đại lộ chính của đô thị Phủ Lý, là trục phát triển kinh tế chủ đạo của tỉnh Hà Nam nói chung và thành phố Phủ Lý nói riêng.

Tuyến đại lộ gắn với các chức năng quan trọng của tỉnh và đô thị như: Khu Đại học Nam Cao phía Bắc, Trung tâm hành chính chính trị của tỉnh, Trung tâm y tế chất lượng cao của vùng, thương mại - dịch vụ gắn liền với Ga trung chuyển giao thông đầu mối liên vùng.

Dĩ nhiên, theo nguyên tắc của một hợp đồng BT, thì để đổi lấy tuyến đường dài 1,86 km, tỉnh Hà Nam (mà ở đây sẽ là UBND Tp. Phủ Lý - với vai trò đại diện cơ quan Nhà nước) sẽ phải đối ứng cho nhà đầu tư một số vị trí đất tương ứng.

Vậy đâu là nhà đầu tư đã được Hà Nam lựa chọn(?). Danh tính nhà đầu tư này, cũng như những vấn đề liên quan sẽ được VietTimes đề cập cụ thể hơn trong những bài viết sau./.