Hạ lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, hàm ý của NHNN là gì?

VietTimes – Ở đợt giảm lãi suất điều hành thứ 3 kể từ đầu năm, những quy định mới của NHNN về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc đối với các TCTD rất đáng chú ý. 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành quyết định số 1349/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng (TCTD) tại NHNN.

Cụ thể, mức lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,5%/năm; lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm.

Trước đó, ngày 16/3/2020, NHNN đã ban hành Quyết định số 421/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại NHNN.

Trong đó, mức lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND ở mức 1%/năm; lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND ở mức 0%/năm.

Như vậy, theo quy định mới, có thể thấy lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND đối với các TCTD đã được điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND vẫn được giữ nguyên, tức 0%/năm.

Đáng chú ý, lãi suất tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước tại NHNN cũng được điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống mức 0,8%/năm.

Tương tự, lãi suất tiền gửi bằng VND của loạt tổ chức khác (Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) tại NHNN cũng được điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống mức 0,8%/năm.

Trao đổi với VietTimes, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định động thái cắt giảm lãi suất mới đây của NHNN góp phần khuyến khích các tổ chức nêu trên rót thêm vốn vào nền kinh tế, phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi dịch Covid-19.

Trong khi đó, chia sẻ với VietTimes, Tổng Giám đốc của một ngân hàng thương mại lại cho rằng việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc chủ yếu chỉ là để giảm chi cho ngân sách. Bởi lẽ đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc, bên thực hiện trả lãi là NHNN, còn bên được trả lãi là các TCTD. Dĩ nhiên, về phía các NHTM thì động thái điều hành này, cũng khiến họ bị giảm thu nhập lãi.

Đây cũng là thời điểm thích hợp khi bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng nửa đầu năm 2020 vẫn khá tích cực, trái ngược với các dự báo trước đó. Nhiều ngân hàng thậm chí còn báo lãi tăng trưởng đầy ấn tượng.

Dù vậy, Chủ tịch một nhà băng đánh giá với VietTimes rằng, các ngân hàng cũng sẽ bị tác động lớn bởi Covid-19 nhưng có độ trễ, nên tình hình lợi nhuận khả năng sẽ thiếu tích cực hơn trong thời gian tới.

Như VietTimes từng đề cập, nhiều nhà băng có chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh nhờ chính sách cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN (hiệu lực từ ngày 13/3/2020). Trong khi đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động giảm sâu, cũng giúp các nhà băng giảm chi phí đầu vào, cải thiện biên lợi nhuận.

“Việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của NHNN là động thái giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho ngân sách nhà nước ở thời điểm này” – vị CEO đánh giá.

Theo ghi nhận của VietTimes, kể từ đầu năm tới nay, đây là lần thứ 3 NHNN điều chỉnh các loại lãi suất điều hành.

Tháng 3/2020, NHNN đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.

Tới tháng 5/2020, NHNN giảm tiếp lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm./.