|
GS Hồ Tú Bảo |
Trong không khí vui tươi của ngày đầu Xuân năm mới Tân Sửu 2021, phóng viên VietTimes đã có cuộc gặp gỡ với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Tú Bảo, một chuyên gia CNTT, một nhà khoa học uy tín cả trong và ngoài nước.
GS.TS. Hồ Tú Bảo hiện là Giám đốc phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp Về Toán học (VIASM) và Giám đốc khoa học của Viện John von Neumann của Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh.
GS.TS. Hồ Tú Bảo tốt nghiệp Khoa Toán-Vật lý, Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1978. Ông có bằng thạc sĩ (1984) và tiến sĩ (1987) tại Đại học Paris 6, và Tiến sĩ Khoa học (1998) tại Đại học Paris 9, tất cả đều liên quan đến học máy và trí tuệ nhân tạo.
Ông có kinh nghiệm nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, học máy và khai thác dữ liệu, và gần đây là khoa học dữ liệu. Ông làm giáo sư và Trưởng phòng thí nghiệm học máy và khai thác dữ liệu tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST) giai đoạn 1993-2018 và giáo sư danh dự của JAIST từ 4/2018.
|
PV: Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Ngày đầu năm mới, chúng ta cùng hy vọng mọi mục tiêu sẽ trở thành hiện thực. Nhìn lại những năm đã qua, có nét gì tươi sáng trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam không thưa ông?
GS.TS Hồ Tú Bảo: Có nhiều nét tươi sáng trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Nếu chỉ kể ra một vài nét sáng, trước hết theo tôi là sự quan tâm rộng rãi của toàn xã hội về chuyển đổi số. Điều này quan trọng vì chuyển đổi số là việc thay đổi cách sống, thay đổi cách làm việc của tất cả mọi người và của mọi tổ chức trên môi trường số. Khi khái niệm Chuyển đổi số và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được quan tâm tìm hiểu rộng rãi, mọi người sẽ thấy chuyển đổi số là việc tất yếu phải làm, là cơ hội vô giá để vượt lên, và nếu không vượt lên được thì sẽ tụt lại xa hơn.
Nét tươi sáng thứ hai là quyết tâm cao và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ để thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Với quyết tâm này, các địa phương và các bộ ngành đang khẩn trương xây dựng đề án chuyển đổi số của mình và quá trình xây dựng chính phủ số và chính quyền số chắc chắn sẽ sớm bước sang giai đoạn mới.
Nét sáng thứ ba là nền kinh tế số của chúng ta đang phát triển hồ hởi với tốc độ khá nhanh. Có thể thấy rõ điều này trong các hoạt động của các ngành công nghệ thông tin và truyền thông, ngân hàng, y tế, thương mại…
PV:Trong báo cáo "Chỉ số kết nối toàn cầu" 2020 mà Huawei mới công bố gần đây, Việt Nam được xếp hạng thứ 55/79 quốc gia được đánh giá (tăng 2 bậc so với năm trước đó), nằm trong nhóm thứ 2 là nhóm "đang chuyển đổi số". (Báo cáo phân chia các quốc gia thành 3 nhóm: các quốc gia dẫn đầu chuyển đổi số, các quốc gia đang chuyển đổi số, các quốc gia ở vạch xuất phát). Thứ hạng này rõ ràng chưa làm chúng ta thỏa mãn. Theo ông chúng ta phải làm gì để cải thiện thứ hạng?
GS.TS Hồ Tú Bảo: Thật lòng thì tôi không mặn mà với các xếp hạng dù chúng ít nhiều có giá trị tham khảo, và cũng không thoả mãn hay thoả mãn vì các xếp hạng. Tôi cho việc phải làm, độc lập với các xếp hạng, là định rõ mục tiêu của ta với những việc cần làm nhất và có thể làm, có lộ trình rõ, có kế hoạch và phương pháp tốt để làm được những việc này. Nói cho cùng, ta nằm trong nhóm “đang chuyển đổi số” cũng là đúng, vì ta đang chuyển đổi số mà.
PV: Được biết tháng 11 năm ngoái ông đã cùng với Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng và chuyên gia Nguyễn Nhật Quang là đồng tác giả cuốn sách "Hỏi đáp về Chuyển đổi số" trong đó lý giải rất chi tiết các vấn đề về chuyển đổi số. Khi nhắc đến Chuyển đổi số người ta thường nói đến 3 trụ cột là: Công nghệ, Thể chế và Con người. Theo ông, trụ cột nào là quan trọng và cần đẩy mạnh nhất ở Việt Nam?
GS.TS Hồ Tú Bảo: Tất nhiên phải có đồng thời cả ba trụ cột này nên từng trụ cột đều quan trọng và cùng lúc cần được đẩy mạnh, và cũng không thể phân định trụ cột nào quan trọng hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn theo một góc cạnh khác, thì tôi thấy vào lúc này cần chú ý ngay và nhiều đến Thể chế. Thay đổi về Công nghệ và Con người thường cần thời gian và là quãng đường dài. Thay đổi Thể chế cũng cần đi đường dài, nhưng nhiều nội dung phải làm trước để mở đường cho sự thay đổi của Công nghệ và Con người. Chẳng hạn như ta rất cần luật Dữ liệu cho việc tổ chức, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu trên môi trường số. Ta cũng biết nhiều thay đổi về Thể chế có thể thử nghiệm qua các sandbox.
|
GS.TS. Hồ Tú Bảo (ngồi giữa) trong lễ ra mắt cuốn sách "Hỏi đáp về Chuyển đổi số" (ảnh: Đăng Khoa) |
PV: Đại dịch Covid-19 vô tình là một chất xúc tác để các ngành kinh tế và chính phủ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, có thể nói là "trong Nguy có Cơ". Là một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực CNTT, ông có nhận thấy sự thay đổi nào về chuyển đổi số trong khu vực nhà nước và tư nhân trong thời điểm dịch bệnh vừa qua không?
GS.TS Hồ Tú Bảo: Cũng như nhiều người, tôi thấy có những thay đổi và những nỗ lực để dần thay đổi. Có những tình thế bắt buộc ta phải thay đổi, như trẻ em không đến trường được thì giáo dục phải dạy và học online, hay trong những đợt dịch bùng phát, mỗi chúng ta vẫn thường xuyên nhận được nhiều tin nhắn, thông báo, nhắc nhở trên điện thoại… từ Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, từ Quận/Huyện và Phường… Nhưng rất nhiều hoạt động trong khu vực nhà nước và tư nhân đã nhằm đến việc tận dụng các cơ hội số trên môi trường số để thay đổi cách làm việc của mình. Ví dụ như việc khám chữa bệnh từ xa qua các công nghệ truyền tin hiện đại.
PV: Nếu để dự đoán chuyển đổi số Việt Nam trong năm 2021 bằng một từ khóa, từ khóa này sẽ là gì thưa ông?
GS.TS Hồ Tú Bảo: Tôi chưa nghĩ ra từ khoá nào mình thấy hài lòng, nhưng nếu tạm dự đoán năm 2021 thì sẽ là cụm từ “nhanh và rộng nhưng chưa đủ sâu”. Sở dĩ vậy vì chuyển đổi số là phức tạp và phải đi đường dài, nhưng có đi thì mới dần hiểu con đường và hiểu mình sâu hơn.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi này. Ngày Xuân năm mới, chúc ông mạnh khỏe và có nhiều đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số nước nhà!
|