Vụ nhà sư Thích Thanh Toàn xin xả giới, hoàn tục:

GS. TS. Trần Lâm Biền: “Nếu nhà sư đem tiền công đức biến thành tài sản riêng thì không thể chấp nhận được!”

VietTimes – Dư luận đang có rất nhiều tranh cãi xoay quanh sự việc nhà sư Thích Thanh Toàn sau khi xả giới, hoàn tục còn xin giữ lại khối tài sản 200-300 tỷ. Để mang đến bạn đọc những thông tin rõ hơn về vấn đề này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS. TS. Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam.  
GS. TS. Trần Lâm Biền (Ảnh: Quyên Quyên)

+ Những ngày vừa qua, sự việc sư thầy Thích Thanh Toàn bị tố "gạ tình" nữ phóng viên đã gây xôn xao dư luận. Sau đó, sư Toàn đã có tờ trình xin xả giới, hoàn tục. Với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề về văn hóa Việt, giáo sư suy nghĩ gì về sự việc này?

- Theo tôi, sau khi sư thầy Thích Thanh Toàn đã xả giới hoàn tục thì không thể gọi là “sư” nữa.

Về vấn đề tài sản, tôi cho rằng những cái gì thuộc về nhà Phật thì phải trả cho nhà Phật. Khi người dân đóng góp cho nhà Phật, thì nhà sư không thể tự mình chiếm lấy. Tiền của người dân cúng cho nhà Phật thì nhà sư phải có trách nhiệm trả lại số tiền đó cho nhà Phật.

Nếu nhà sư lấy tiền công đức của người dân để làm của riêng thì đây là một hành động “buôn thần bán thánh” – lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để kiếm lời.

GS. TS. Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam.  

+ Hiện có rất nhiều ý kiến xung quanh khối tài sản mang tên ông Lê Hữu Long - tên thật của sư Thích Thanh Toàn. Xin giáo sư cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Nếu sư Toàn chứng minh được số tiền đó chính là của nhà sư, mà nhà sư đem từ nhà đến trước khi trở thành người tu hành, thì không thể thu hồi số tài sản đó. Ví dụ như tiền của bố mẹ nhà sư để lại, tiền nhà sư lao động, làm việc được,… Nhưng nếu số tài sản 200-300 tỷ có được là do làm các công việc của nhà chùa, được người dân cúng tiến... thì số tiền đó không phải của sư Toàn mà thuộc về nhà Phật.

+ Làm thế nào để tìm hiểu được nguồn gốc số tài sản 200-300 tỷ mang tên ông Lê Hữu Long, thưa giáo sư?

- Tôi cho rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần làm rõ về vấn đề này, chứng minh được nguồn gốc số tiền của nhà sư. Không chỉ thế, công an và cơ quan điều tra cần vào cuộc để tìm hiểu rõ về nguồn gốc của số tài sản khổng lồ trên.

Sư thầy Thích Thanh Toàn cùng tờ trình xin "xả giới hoàn tục"

+ Là nhà nghiên cứu văn hóa Việt, giáo sư suy nghĩ gì về những hành động gây xôn xao dư luận của sư thích Thanh Toàn?

- Theo tôi, hành động của sư Toàn đã phạm vào đạo đức của người tu hành và của nhà Phật. Khi một nhà sư thiếu đạo đức đến mức phải xin xả giới, hoàn tục, thì người đó không nên được đặt ngang bằng với các nhà sư.

Hơn thế, nếu nhà sư đem tiền công đức của người dân biến thành tài sản riêng thì càng không thể chấp nhận được.

+ Hiện, các nhà chùa quản lý tiền công đức như thế nào, thưa giáo sư?

- Các nhà chùa hiện nay đã có ban quản lý, nhưng ban quản lý chỉ quản lý được hòm công đức. Còn tiền đóng góp của người dân đưa riêng cho nhà chùa thì không ai quản lý. Tôi cho rằng nếu một nhà sư có tài sản lớn thì số tài sản đó rất có thể đến từ những phật tử “đặc biệt”.

+ Thưa giáo sư, những hành vi của sư Toàn liệu có ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không?

- Trước hết, tất cả những người yêu quý đạo Phật đều không thể chấp nhận được hành động làm ô uế cửa Phật của sư Toàn. Cho nên với tư cách là một người yêu quý đạo Phật, tôi không chấp nhận những người giày vò, chà đạp lên đạo đức của nhà Phật, làm mất đi lòng tin của dân chúng và các tín đồ.

+ Thưa giáo sư, theo đạo đức nhà Phật, để trở thành một người tu hành chân chính, cần phải đáp ứng được những yêu cầu gì?

- Người tu hành phải là những người gương mẫu về đức Phật – đạo đức của nhà Phật, tâm Phật và Tuệ Phật. Nếu người mang danh tu hành không thực hiện đầy đủ thì không thể làm gương cho người khác.

Chữ “tu” trong “tu hành” là học, luyện; còn “hành” – tức là đem sở luyện ra để giáo hóa chúng sinh. Do đó, người tu hành phải là những người có ý thức giữ gìn đạo đức, là tấm gương cho những người khác noi theo. 

Trao đổi với PV VietTimes, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội phật giáo Việt Nam cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chỉ đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc theo sát sự việc. Đích thân Thượng tọa Thích Đức Thiện đã liên hệ sư Thích Thanh Toàn yêu cầu làm bản tường trình gửi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc.

“Sau khi Ban trị sự báo cáo, Giáo hội thấy rõ vi phạm của thầy Thích Thanh Toàn về nhiều mặt gồm: đạo hạnh, giới luật, Phật chế, Hiến chương của Giáo hội, quy định pháp luật của Nhà nước về trật tự xã hội. Thầy Toàn đã nhiều lần bị chính quyền địa phương xử phạt bằng tiền và nhắc nhở.

Do đó, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã chỉ đạo Ban Trị sự tỉnh Vĩnh Phúc phải xác minh rõ nguồn gốc tài sản của thầy Thanh Toàn, đồng thời, làm rõ có hay không có tài sản 200-300 tỷ như thầy Toàn phát ngôn. Bởi vì con người thầy Toàn thì Ban Trị sự huyện Tam Đảo nắm được rất rõ. Theo báo cáo, nhiều khi thầy Toàn phát ngôn không đúng, Ban trị sự Tam Đảo không tin thầy Toàn có khối tài sản như thầy nói.” - Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.