GS Phan Huy Lê, đại thụ của khoa học lịch sử Việt Nam, từ trần

VietTimes -- Chiều 23/6/2018, sau 3 tuần điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, GS Phan Huy Lê - nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - đã từ trần, thọ 84 tuổi. Khi ông nhập viện, lãnh đạo Bộ Y tế cũng như lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã rất quan tâm, mời những giáo sư đầu ngành tập trung chẩn đoán, chữa trị. Nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã không qua khỏi. 
GS Phan Huy Lê - nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
GS Phan Huy Lê - nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê sinh ngày 23/ 2/1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ cùng họ với Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh.

Ông là một trí thức tận tâm, tận lực với Tổ quốc. Ông đã từng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng ba.

Là một nhà nghiên cứu lịch sử, công việc của ông là phải đọc các tư liệu lịch sử với khối lượng rất lớn. Vì thế, ông là một trong các trí thức lớn ở Việt Nam sớm tiếp cận với công nghệ thông tin và Internet.

Theo KS Trần Bá Thái - nguyên giám đốc mạng Netnam thuộc Viện Công nghệ Thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam), GS Phan Huy Lê là một trong những khách hàng  đầu tiên sử dụng dịch vụ thư điện tử của Netnam vào năm 1994. Tuy nhiên, việc kết nối với Netnam bằng modem quay số qua điện thoại lúc đó là chưa có tiền lệ, nên ông đã bị bưu điện phạt. 

GS Phan Huy Lê có hai người con rể làm tin học, là GS TS Phạm Thế Long - nguyên Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, và ThS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMS. Tuy nhiên, ông sử dụng công nghệ thông tin trong công việc là niềm đam mê tự thân, chứ không hoàn toàn vì sự tư vấn, giúp đỡ của hai người con rể. 

Ngay từ năm 2000, tức là 10 năm trước sự kiện Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, GS Phan Huy Lê đã chủ động đặt vấn đề với UBND thành phố Hà Nội là việc kỷ niệm sự kiện này sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa nếu như không phục dựng được, dù chỉ là mô phỏng trên máy tính, các công trình kiến trúc cổ của Thăng Long mà nay không còn nữa.

Cũng chính vì thế, ông đã nhiệt tình giúp đỡ các nhóm đồ họa vi tính 3D Hanoi và Graphics @ trong công việc đầy khó khăn, vì không dễ tìm kiếm được các tư liệu về các công trình kiến trúc đó. 

GS Phan Huy Lê mất đi không chỉ là một tổn thất lớn với ngành khoa học lịch sử Việt Nam, mà còn để lại niềm thương tiếc trong lòng của nhiều ngành khoa học khác, trong đó có ngành công nghệ thông tin.