Grand Sentosa khởi động trong ngày 22/02/2022 với sự hiện diện của thiếu gia Phan Thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hôm nay (22/02), sau 13 năm "đắp chiếu", dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TPHCM) vừa được Novaland mua lại để phát triển và chính thức khởi động với tên mới là Grand Sentosa. Một loạt dự án quan trọng khác cũng đã được khởi công, khởi động trong ngày đặc biệt 22/02/2022.
Grand Sentosa khởi động trong ngày 22/02/2022 với sự hiện diện của thiếu gia Phan Thành
Grand Sentosa khởi động trong ngày 22/02/2022 với sự hiện diện của thiếu gia Phan Thành

Được biết, dự án này sẽ được đầu tư xây dựng lại theo đúng quy hoạch đã được duyệt trước đó mà TPHCM đã trao cho Công ty TNHH Tài Nguyên làm chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu, Novaland hiện đã đặt cọc cho thương vụ này và đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý. Nếu không có gì thay đổi vào phút chót, dự án này sẽ được bán ra thị trường vào khoảng tháng 4 năm nay. Giá trị của thương vụ không được tiết lộ nhưng theo tính toán, giá sản phẩm của dự án này không dưới 100 triệu/m2.

Điều đáng chú ý tại buổi lễ khởi động và ký kết hợp tác giữa Novaland và công ty Tài Nguyên hôm nay có sự xuất hiện của thiếu gia nổi tiếng Phan Thành. Được biết, Phan Thành hiện nay là Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương Mại – Dịch vụ Phan Thành (Công ty Phan Thành), nổi tiếng với khu mua sắm Sài Gòn Square ngay tại nhiều vị trí đắc địa của trung tâm TPHCM.

Ông Phan Thành (giữa) trong lễ khởi động dự án Grand Sentosa
Ông Phan Thành (giữa) trong lễ khởi động dự án Grand Sentosa

Ngoài ra, công ty Phan Thành trên thực tế, hoạt động đa ngành, từ dịch vụ, thương mại cho đến bất động sản. Nhiều chi nhánh của công ty này hoạt động khắp TPHCM như nhà hàng Hoàng Ngọc Saigon Pearl, chi nhánh Bến Vân Đồn, nhà hàng lẩu cá Thuận Kiều, chi nhánh Công Trường Mê Linh, chi nhánh Công Xã Paris…

Thiếu gia Phan Thành được ông bố (Phan Chất - Chủ tịch HĐQT công ty Phan Thành) giao cho đứng tên và quản lý một số doanh nghiệp của gia đình như: khu mua sắm Saigon Square; khu mua sắm Saigon Holiday, Quận 1, và một loạt thương hiệu khác. Bên cạnh đó, Phan Thành cũng đang đại diện cho Công ty TNHH Đầu tư Hoàng Thành Palace, chuyên kinh doanh bất động sản.

Một điểm đáng lưu ý là CTCP Capella Center, chủ sở hữu trung tâm tiệc cưới Capella Gallery Hall, Quận 10. Đây là trung tâm đang được quản lý bởi Capella Holdings, tiền thân là Bến Thành Land. Được biết cả Công ty Phan Thành và Capella Holdings cũng nằm trong số các nhà đầu tư từng rót vốn vào một trung tâm Hội nghị và tiệc cưới nổi tiếng khác là Riverside Palace, khánh thành năm 2011.

Trở lại sự có mặt của Phan Thành, qua tìm hiểu được biết từ năm 2018 đến nay, công ty Tài Nguyên liên tục thực hiện việc tái cơ cấu nhân sự, cũng như tài chính sau khi dự án Kenton Node "chết lâm sàng" lần thứ 2. Quan trọng nhất, công ty Tài Nguyên đã kêu gọi sự góp vốn của nhiều đối tác bên ngoài, và công ty Phan Thành đã tham gia với hơn 20% cổ phần.

Từ đầu năm 2021, công ty Tài Nguyên đã trao quyền chủ tịch HĐQT và điều hành cho thiếu gia Phan Thành.

Về dự án Kenton Node, trước đây có tên Kenton Residences, tọa lạc tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư, khởi công năm 2009. Khi đó, dự án gồm 3 phân khu: Plaza, Sky Villa và Residences, có 9 tòa nhà với 1.640 căn hộ, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. Đầu năm 2010, dự án mở bán 100 căn hộ giai đoạn một, giá từ 1.566 - 2.250 USD/m2, có 64 khách hàng giao dịch thành công, được định vị là phân khúc cao cấp nhất khu Nam thời điểm đó.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2010, trùng với thời gian chào bán giai đoạn hai, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng khiến dự án bị ngưng trệ. Đến năm 2013, chủ đầu tư trả lại toàn bộ tiền mua nhà cho gần 100 khách hàng và tìm hướng đi mới cho dự án. Tháng 5/2017, sau khi dừng hơn 7 năm, dự án đổi tên thành Kenton Node, được công bố có tổng vốn hơn một tỷ USD với nhiều hạng mục công trình như căn hộ ở, khách sạn, trung tâm dịch vụ, nhà hát, trường học, phòng khám quốc tế...

Với sự hậu thuẫn từ BIDV và MSB, dự án Kenton Node có thêm 1.060 tỷ đồng để tiếp tục triển khai, đi kèm với đó là nhiều hạng mục mới rất hoành tráng sẽ được đầu tư như Khu nhạc nước 500 triệu USD. Tuy nhiên, vào giữa năm 2018, dự án lại một lần nữa "đắp chiếu" cho đến hiện nay. Tháng 4/2020, BIDV từng thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty Tài Nguyên liên quan đến dự án này.

Tài sản đấu giá là toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá (nợ gốc, lãi tạm tính đến ngày 29/3/2020 là hơn 4.063 tỷ đồng). Tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node. Tài sản này được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank, trong đó BIDV chiếm 58% giá trị tài sản.

Tại thời điểm này, giá trị định giá tài sản là 7.836,7 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4.545,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn là các quyền tài sản của mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, Hà Nội - được định giá lần đầu là 885,5 tỷ đồng.

Nguồn tin của VietnamFinance cho hay trong ngày đặc biệt 20/02/2022, một loạt các dự án quan trọng khác cũng đã được khởi công, khởi động trên toàn quốc.

Công ty cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu thuộc Tập đoàn Đầu tư Tài chính (TF Group) đã tổ chức Lễ khởi công Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng, với tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng có thiết kế, công suất sản xuất, lắp ráp dự kiến đạt 6.000 xe/năm cho năm đầu tiên, khi đạt công suất 100% sản lượng dự kiến đạt 30.000 xe/năm.

Công ty đặt mục tiêu sản xuất đa dạng gồm: lắp ráp ô tô điện, sản xuất pin, lắp ráp các loại máy thi công. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các quốc gia Đông Nam Á. Mục tiêu tiếp theo là mở rộng dự án ngoài 45,6ha để thực hiện các nhóm sản xuất thuốc đông dược, gia công tân dược đạt chuẩn; các nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn thông minh có dinh dưỡng cao.

Dự án có tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng, giai đoạn I vốn đầu tư 1.993 tỷ đồng, bao gồm các gói san lấp và hạ tầng nhà xưởng.

Sau khi hoàn thiện hai giai đoạn và đưa vào sản xuất, Công ty phấn đấu đạt mục tiêu 17 sản phẩm chiến lược, doanh thu ước đạt 12.000 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 11.000 lao động địa phương với mức lương khởi điểm gần 6,1 triệu đồng/người/tháng, được đóng bảo hiểm xã hội và hưởng đầy đủ các quyền lợi khác của người lao động theo quy định của pháp luật; đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ/năm.

Cũng trong hôm nay, tại London, Anh Quốc, Masterise Homes và Foster + Partners đã ký kết hợp tác chiến lược để cùng nhau kiến tạo dự án Khu Đô thị The Global City, một hoạt động được giới thiệu là "đánh dấu sự xuất hiện chính thức của một “downtown” chuẩn quốc tế mới của Thành phố Hồ Chí Minh, và là biểu tượng của toàn khu vực Đông Nam Á".

Tại buổi ký kết, Ông Youssef Akila, Giám đốc Khối Thiết kế Masterise Homes nói việc hợp tác sẽ giúp "xây dựng các cộng đồng cư dân văn minh, hiện đại và thúc đẩy sự bền vững trong thị trường bất động sản, đây là một mối quan hệ hợp tác cộng hưởng tự nhiên. The Global City là dự án khẳng định tầm nhìn của chúng tôi trong việc tiên phong mang các chuẩn mực bất động sản toàn cầu đến Việt Nam”.