Infographic Góp ý thay thế Nghị định 64/2008 và xây dựng Bộ luật về từ thiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 30/3/2021, tại Hà Nội, tổ chức Oxfam Việt Nam chủ trì hội thảo “Đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Nghị định 64/2008/NĐ-CP”. 

Ngày 30/3/2021, tại Hà Nội, tổ chức Oxfam Việt Nam chủ trì hội thảo “Đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Nghị định 64/2008/NĐ-CP” với sự tham gia của đại diện nhiều Bộ ngành, tổ chức, chuyên gia luật pháp, những nhà hoạt động thiện nguyện tâm huyết đặc biệt quan tâm.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Mùa mưa lũ năm 2021 lại sắp đến. Đã gần nửa năm trôi qua từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì việc soạn thảo Nghị định mới để thay thế Nghị định 64/2008 về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”, bản dự thảo đã được công bố trên cổng thông tin điện tử để toàn dân góp ý vẫn còn nhiều nội dung cần tiếp tục chỉnh sửa.

Những nội dung bất cập được "mổ xẻ" để góp ý

Những nội dung bất cập được "mổ xẻ" để góp ý

Trong cuộc hội thảo ngày 30/3/2021, ngoài phần chia sẻ kinh nghiệm về thực trạng huy động, tiếp nhận và triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp của Oxfam và một số địa phương, tổ chức khác, các chuyên gia đã đi sâu phân tích về môi trường pháp lý và cách thức, kỹ năng hoạt động cứu trợ và thiện nguyện sao cho phù hợp với thực tế ở Việt Nam.

Nhiều đại biểu liên tục đóng góp các ý kiến tâm huyết

Nhiều đại biểu liên tục đóng góp các ý kiến tâm huyết

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp làm từ thiện bằng cơ chế giảm thuế phí. Cần có hình thức động viên, khích lệ, khen thưởng những cá nhân, tập thể làm từ thiện rất hiệu quả mà ông chưa thấy trong dự thảo Nghị định mới. Cá nhân ông ấn tượng với câu nói “Mục đích kiếm tiền duy nhất là để làm từ thiện” của ông Đoàn Ngọc Hải, với việc nhà báo Trần Đăng Tuấn thời đương hàm thứ trưởng đã “từ quan” để về lập Quỹ Trò nghèo vùng cao, với cách Vingroup “bán xe thì ồn ào nhưng hiến hàng nghìn tỉ đồng mở quỹ Thiện tâm thì lại khá lặng lẽ”.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng mong muốn Nghị định thay đổi được cân nhắc thấu đáo

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng mong muốn Nghị định thay đổi được cân nhắc thấu đáo

Luật sư Nguyễn Tiến Lập ( Công ty Luật NHQuang và cộng sự) thú thật “Tôi không biết về sự tồn tại của NĐ 64 này cho đến khi nổi lên hiện tượng ca sĩ Thuỷ Tiên. Qua dư luận, tôi mới đọc và giật mình vì những nội dung bất cập của Nghị định. Cần làm rõ, rành mạch cả 3 khái niệm khác nhau về việc cứu trợ khẩn cấp, với làm từ thiện-quyền cơ bản của con người, và các hoạt động phi lợi nhuận. Soi vào trường hợp Thuỷ Tiên, các bên đều thấy không thể áp dụng NĐ64. Và bởi các Bộ luật dùng làm căn cứ đều đã thay đổi, nên NĐ 64 không còn phù hợp, không hiệu lực nữa, vì không tương thích. Luật sư Lập cho biết theo tìm hiểu của ông, nhờ hành lang pháp lý chặt chẽ, mỗi năm nước Mỹ quyên góp được tới trên dưới 360 tỉ USD tiền cứu trợ, chính phủ chỉ cần giữ vai trò điều phối.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn đề nghị : Thời 4.0, đừng sửa Nghị định bằng cách vẫn tựa trên nền tư duy cũ như thế.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn đề nghị : Thời 4.0, đừng sửa Nghị định bằng cách vẫn tựa trên nền tư duy cũ như thế.


Với kinh nghiệm 10 năm xây dựng, tổ chức hoạt động cho Quỹ Trò nghèo Vùng cao, nhà báo Trần Đăng Tuấn mong muốn các quy định mới về vấn đề này sẽ giải quyết được các vấn đề về cơ chế thông tin. Mùa mưa lũ 2020 nhiều đoàn cứu trợ dựa vào các nguồn tin do dân tự phát lên internet hơn là từ nguồn tin từ chính quyền. Dự thảo Nghị định đã nới rộng quyền quyên góp cho cá nhân làm, nhưng vẫn lộ rõ tư duy cai quản. Cá nhân nào làm sai đã có các bộ luật khác xử lý chứ. Quy định điều phối tiền hàng nhận được chỉ trong 20 ngày làm gì? Ví dụ nhà tài trợ muốn bên tiếp nhận phân bổ dần nguồn tiền ấy trong 1 năm thì sao? Rồi cách giúp bệnh nhân hiểm nghèo, sao lại quy định “theo từng trường hợp cụ thể”? Lập quỹ giúp cùng lúc cho nhiều trẻ em nghèo bệnh nặng không được sao? Để “tạo hệ sinh thái” cho hoạt động từ thiện phát triển, không nên sửa Nghị định vẫn trên nền tư duy cũ như thế.

Ông Trần Quốc Hùng Phó Chủ tịch Hội CTĐ VN phát biểu

Ông Trần Quốc Hùng Phó Chủ tịch Hội CTĐ VN phát biểu

Ông Trần Quốc Hùng Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ “hiện tượng Thuỷ Tiên” có góp phần thúc đẩy việc trình kế hoạch thay thế NĐ 64 nhanh hơn, nhưng e rằng sự tiếp thu các ý kiến sâu sắc từ các chuyên gia trong lĩnh vực này đối với các bộ ngành liên quan là rất hạn chế. Ca sĩ Thuỷ Tiên là trường hợp điển hình về việc giỏi huy động nhưng chưa chuyên nghiệp trong tổ chức điều phối. Hội Chữ thập đỏ với 6 cấp tổ chức, từ trung ương tới tận thôn xóm từng đặt vấn đề phối hợp nhưng cô từ chối, dẫn đến những thị phi đáng tiếc sau này. Hội đã đề nghị sớm áp dụng quy trình 5 bước về tổ chức vận động, tiếp nhận, triển khai, kiểm tra giám sát, tôn vinh khen thưởng. Tiến trình đẩy mạnh số hoá cũng đã đề cập tới hình thức xây dựng tài khoản từ thiện qua ngân hàng.

Ông Phạm Quang Tú tổng kết hội thảo

Ông Phạm Quang Tú tổng kết hội thảo

Chủ trì hội thảo, ông Phạm Quang Tú phó giám đốc tổ chức OXFAM Việt Nam cho rằng quá trình sửa đổi Nghị định cần làm rõ 3 vấn đề chính: 1- Mở rộng đối tượng tham gia cứu trợ, thiện nguyện đến mọi tổ chức, cá nhân; 2-Tăng cường sự chuyên nghiệp và phối hợp trong công tác cứu trợ để đảm bảo hiệu quả và an toàn; 3-Thay đổi tư duy của chính quyền và đoàn thể trong công tác cứu trợ - từ “quản lý” cứu trợ đến “điều phối và hỗ trợ” nhằm đảm bảo hoạt động cứu trợ hiệu quả. Cuối buổi hội thảo, OXFAM giới thiệu quy trình thiện nguyện như một cẩm nang để chính quyền, tổ chức viện trợ tham khảo các bước thực hiện, nhằm sử dụng nguồn lực huy động được một cách hiệu quả, không chồng chéo hay lãng phí.

Một trong những cách thức cứu trợ, tái thiết sau bão lũ của OXFAM

Một trong những cách thức cứu trợ, tái thiết sau bão lũ của OXFAM

Đây là cuộc hội thảo thứ hai nhằm phân tích sâu hơn về cùng chủ đề. Trước đó, ngày 28/01/2021 cũng tại Hà Nội, cuộc tọa đàm tham vấn cho Nghị định 64 sửa đổi đã được Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển cộng đồng (LIN) phối hợp tổ chức. Cả 2 cuộc hội thảo đều tổng hợp nội dung gửi đến Ban soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 64/2008. Trong đó có kiến nghị Việt Nam cần xây dựng một Bộ Luật về từ thiện và tổ chức phi lợi nhuận trong thời gian tới.

Hoàng Thiên Nga