Google hợp tác Bộ Công Thương đào tạo kỹ năng số cho nửa triệu người Việt

VietTimes -- Đây là hoạt động trong mở rộng chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 nhằm cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt đưa các kiến thức này đến các vùng nông thôn.
Digital Bus (xe buýt kỹ thuật số) là chuyến xe đào tạo lưu động sẽ đi đến 59 tỉnh của Việt Nam.
Digital Bus (xe buýt kỹ thuật số) là chuyến xe đào tạo lưu động sẽ đi đến 59 tỉnh của Việt Nam.

Chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 (Accelerate Vietnam Digital 4.0) được triển khai từ 6/2018, là sáng kiến do Google khởi xướng, kết hợp cùng Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam (VWU), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCM), Hội đồng Doanh Nhân Nữ Việt Nam (VWEC), Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và nhiều đối tác khác trên cả nước, nhằm cung cấp các lớp đào tạo miễn phí về kỹ năng số, kỹ năng mềm, và kỹ năng kinh doanh từ cơ bản đến nâng cao.  

Ngoài ra, cũng trong hôm nay (15/8), Google cũng công bố các chương trình bổ sung để tiếp cận nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn, cũng như giúp họ truy cập các khóa đào tạo kỹ thuật số một cách dễ dàng và tiện lợi hơn.

Trong đó, Digital Bus (xe buýt kỹ thuật số) là chuyến xe đào tạo lưu động sẽ đi đến 59 tỉnh của Việt Nam trong vòng 18 tháng (từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2020), để cung cấp khóa đào tạo cho người dân ở vùng sâu vùng xa.

Cùng với đó, ứng dụng Primer giúp bạn học các kỹ năng mới về tiếp thị kỹ thuật số và kinh doanh nhanh chóng, dễ dàng và hoàn toàn miễn phí. Primer hoạt động ngay cả khi không có mạng Internet (offline), vì vậy bạn có thể học lập kế hoạch kinh doanh, quản lý, bán hàng, quảng cáo kỹ thuật số, phương tiện truyền thông xã hội, tiếp thị nội dung, phân tích, xây dựng thương hiệu và hơn thế nữa bất cứ khi nào người dùng có 5 phút rảnh rỗi.

Đại diện Google, đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và công nghệ số là rất quan trọng đối với sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Trong khu vực ASEAN, khoảng 98% doanh nghiệp tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và khu vực kinh tế quan trọng này chiếm đến 64% tổng số việc làm quốc gia và 45% GDP quốc gia.

Cùng với đó, Việt Nam dẫn đầu trong số tất cả các nước ASEAN về thị phần kinh tế kỹ thuật số, với 9 tỷ đô la Mỹ tổng giá trị giao dịch (GMV), chiếm khoảng 4% GDP trong năm 2018.

Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đã tăng gấp ba lần từ năm 2015 đến 2018 và được dự báo sẽ tăng thêm gấp ba lần vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 25% (nguồn). Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy chỉ có 16% các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á thực sự tận dụng được các công cụ kỹ thuật số.

Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0  hướng đến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các chủ cửa hàng, các cá nhân khởi nghiệp và sinh viên năm cuối với mục tiêu giúp họ cập nhật kiến thức số, tăng cường khả năng quản lý giúp phát triển doanh nghiệp, tăng hiệu quả kinh doanh online và tạo nhiều cơ hội việc làm mới cho xã hội.

Dự kiến vào năm 2019 và 2020, dự án Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 sẽ mở rộng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Lạt và các thành phố khác theo hình thức lớp học lưu động.  

Ngoài ra, chương trình còn có các lớp chia sẻ dành riêng cho phụ nữ, giúp bạn hiểu thêm về các thách thức, cơ hội, kỹ năng lãnh đạo và định hướng giúp phụ nữ phát triển hơn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.