Google, Facebook và Twitter dập tan luồng thông tin giả về "cách chữa trị" dịch bệnh do virus corona gây ra

VietTimes -- Facebook cho hay họ sẽ bắt đầu gỡ bỏ những tuyên bố sai sự thực về một "phương thức chữa trị" cùng nhiều giả thuyết chưa được chứng minh liên quan tới virus corona chủng mới, trong lúc dịch bệnh do virus này tiếp tục lan rộng khắp thế giới, làm dấy lên những luồng thông tin giả mạo.
Facebook cam kết sẽ gỡ bỏ các thông tin sai lệch về dịch bệnh do virus corona chủng mới gây nên (Ảnh: CNN)
Facebook cam kết sẽ gỡ bỏ các thông tin sai lệch về dịch bệnh do virus corona chủng mới gây nên (Ảnh: CNN)

Facebook cũng cho hay họ sẽ "gỡ bỏ nội dung có thông tin sai hoặc các thuyết âm mưu mà một số tổ chức y tế toàn cầu và cơ quan y tế địa phương đưa ra mà có thể gây tổn hại cho những người tin vào chúng"; theo đoạn thông báo mà Kang-Xing Jin, người quản lý nội dung y tế của Facebook, đăng tải.

Jin nói rằng các thông tin sai lệch trên bao gồm các tuyên bố "về việc có cách chữa trị hoặc biện pháp phòng ngừa" virus corona, hay thông tin "gây ra sự mơ hồ về các nguồn lực y tế sẵn có".

Công ty này cũng có kế hoạch tăng cường hoạt động xác thực thông tin và kiểm soát nội dung trên mạng xã hội Instagram - thuộc sở hữu của Facebook. Jin nói rằng những người dùng click vào các hashtag liên quan tới virus corona sẽ nhận được một "cửa sổ pop-up chứa đựng thông tin đáng tin cậy".

Mạng xã hội khổng lồ này muốn ưu tiên các nguồn thông tin chính thống; Jin nói, bằng cách cho phép một số tổ chức mà họ chọn lọc kỹ lưỡng được chạy các đoạn quảng cáo miễn phí giúp người dân hiểu rõ về virus corona chủng mới và tăng cường đăng tải các thông tin có nội dung hướng dẫn cách phòng ngừa từ giới chuyên gia. Hiện chưa rõ các tổ chức được Facebook lựa chọn.

Jin nhấn mạnh rằng, không phải tất cả các biện pháp mới nêu trên "đều đã được thực thi".

"Sẽ phải mất thêm chút thời gian để áp dụng chúng trên khắp các nền tảng của chúng tôi và tăng cường các biện pháp thực thi" - Jin viết - "Chúng tôi sẽ tập trung vào các thông tin có chứa nội dung gây ảnh hưởng tới việc điều trị".

Động thái mới nhất của Facebook được đưa ra nhằm dập tắt luồng thông tin giả liên quan tới dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra, hiện đã lây nhiễm cho khoảng 12.000 người trên toàn cầu và ít nhất 259 người thiệt mạng ở Trung Quốc đại lục. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Năm vừa qua đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Twitter và Google cũng tăng cường nỗ lực dập thông tin giả trong tuần này, hướng dẫn người dùng của họ xác thực các nguồn tin.

Trong hôm 31/1, Google thông báo rằng, khi người dùng tìm kiếm thông tin về virus corona, họ sẽ nhận được một bản thông báo đặc biệt với các thông tin cập nhật từ WHO.

YoutTube, thuộc sở hữu của Google, cho hay họ sẽ tăng cường cho xuất hiện các đoạn video từ các nguồn đáng tin cậy khi người dùng tìm kiếm các đoạn clip liên quan tới virus corona. Công ty này cho hay, họ sẽ dẫn các clip được đăng tải từ những người dùng đáng tin cậy, như các chuyên gia y tế hay các tờ báo uy tín, trong bảng kết quả tìm kiếm.

Trước đó, hôm 30/1, Twitter nói rằng họ sẽ bắt đầu giới thiệu những người dùng tìm kiếm thông tin về virus corona tới các kênh thông tin chính thức về dịch bệnh. Ví dụ, ở Mỹ, Twitter sẽ hướng người dùng tới Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), và ở dưới có dòng tiêu đề: "Hãy nắm rõ thực tế".

Chiến dịch này hiện đang được áp dụng ở 15 địa điểm, trong đó bao gồm Mỹ, Liên hiệp Vương quốc Anh (UK), Hong Kong, Singapore và Australia...và sẽ tiếp tục được mở rộng nếu cần thiết. Tính đến ngày thứ Tư trong tuần, Twitter nói họ đã ghi nhận hơn 15 triệu đoạn tweet có liên quan tới corona virus trong vòng 4 tuần qua, và xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục.

Một phát ngôn viên của Twitter nói với kênh CNN Business rằng họ chưa thấy có dấu hiệu về luồng thông tin giả mạo về virus corona được nhiều bên phối hợp tung ra, nhưng sẽ cảnh giác về vấn đề này.

Động thái của các mạng xã hội trong tuần này là rất đáng chú ý, đặc biệt là bởi họ từng nhiều lần bị chỉ trích vì để các thông tin giả mạo phát tán trên nền tảng của mình.

Facebook, hiện đang có khoảng 2,5 tỷ người dùng trên nền tảng chính và khoảng 2,9 tỷ người dùng tích cực trên khắp các ứng dụng khác như WhatsApp và Instagram, vốn đã có nhiều vấn đề nghiêm trọng về vấn đề kiểm duyệt nội dung, đặc biệt là các thông tin sai lệch về tiêm vaccine.

Năm ngoái, Instagram tuyên bố sẽ ngăn chặn các hashtag có chứa thông tin sai về vaccine, sau khi CNN Business phát hiện ra một số nội dung tuyên truyền chống tiêm vaccine vẫn lan tràn trên nền tảng này.