|
Google chứng minh cho người dùng thấy phần mềm mới là yếu tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng chụp ảnh (Ảnh: Android Authority) |
Đã có rất nhiều cuộc tranh luận nổ ra về việc đâu là yếu tố quan trọng giúp tạo nên một cụm camera chất lượng trên smartphone. Yếu tố phần mềm hay phần cứng quan trọng hơn?
Các công ty như Xiaomi, Vivo, Sony và Huawei luôn tìm các nâng cấp phần cứng camera trên những chiếc smartphone của họ. Cảm biến lớn hơn giúp thu được nhiều ánh sáng hơn, nhiều pixel hơn, hai camera tele thay vì một, camera macro chuyên dụng cùng với đó là sự kết hợp với thương hiệu máy ảnh chuyên nghiệp như Leica và ZEISS, v.v.
Một số hãng điện thoại lại học theo cách Google làm, đó là nâng cấp phần mềm để tạo ra tính đột phá trong những bức ảnh. Chế độ chân dung, chế độ ban đêm, chụp ảnh thiên văn, hybrid zoom, phơi sáng và ảnh hành động, àm mờ khuôn mặt, làm mờ ảnh, ánh sáng chân dung và ảnh chụp từ trên xuống.
Pixel 2, 3 và 4 đã thuyết phục người dùng rằng chỉ cần phần mềm là có thể tạo ra những bức ảnh đẹp. Sau đó, khi Pixel 5 ra mắt với cảm biến tương tự như Pixel 2, rõ ràng là Google đã tận dụng tối đa mọi thứ có thể từ cụm camera trên các phiên bản tiền nhiệm trước đó. Rõ ràng không thể nào cứ mãi lệ thuộc vào một cụm camera đã quá lạc hậu. Google đã quyết định nâng cấp phần cứng camera trên Pixel 6 Pro và 7 Pro.
Tuy nhiên, Pixel 8 Pro không có nhiều thay đổi so với 7 Pro về phần cứng camera. Các cảm biến mang lại nhiều ánh sáng hơn và ống kính siêu rộng có độ phân giải cao hơn. Nhưng nếu Pixel 8 Pro thiếu phần cứng ấn tượng, thì điều đó sẽ được bù đắp bằng những phần mềm chụp ảnh mà người dùng không ngờ tới.
Phần mềm bổ trợ cho phần cứng camera
Các phần mềm chụp và chỉnh sửa ảnh của Google như Best Take và Magic Audio Eraser được người dùng rất ưa chuộng. Magic Editor mới vượt xa Magic Eraser hiện đại, đặc biệt khi bạn yêu cầu nó xóa một vật thể và lấp đầy khoảng trống bằng thứ gì đó. Các tùy chọn điều khiển máy ảnh thủ công trên Pixel 8 Pro cũng là điều mà nhiều người dùng đã mong muốn được thấy trong nhiều năm.
Ba tính năng được nhắc đến ở phần trên của bài viết là những tính năng được người dùng Pixel sử dụng nhiều nhất. Giống như Photo Unblur, Portrait blur, và Portrait light, những tính năng mới này được Google đem đến giúp nâng tầm những bức ảnh mà người dùng chụp.
Google không thực sự cần phần cứng hiện đại và các thông số kỹ thuật đáng kinh ngạc để cách mạng hóa khả năng chụp ảnh trên smartphone. Điều này đã được minh chứng trong nhiều năm qua. Tất nhiên, cụm camera có thể làm được nhiều hơn và có thể làm tốt hơn với các cảm biến được nâng cấp, nhưng không nhất thiết cần nâng cấp cảm biến camera mới qua từng năm.
Pixel 8 Pro chỉ cần bộ xử lý Tensor G3 tốt hơn để có thể xử lý nhiều hơn các phép tính Machine Learning so với bộ xử lý trước. Và khi điều đó không đủ để xử lý cục bộ, nó sẽ gửi các bức ảnh bạn chụp đến máy chủ để chỉnh sửa. Đó là lý do tại sao chế độ Video Boost mới với video Night Vision vẫn chưa xuất hiện. Google được cho là sẽ tung ra tính năng này vào tháng 12 nhưng chỉ dành cho Pixel 8 Pro.
Việc Google loại bỏ đi hai tính năng quan trọng (điều khiển máy ảnh thủ công và Video Boost) trên Pixel 8 cơ bản khiến nhiều người dùng không hài lòng vì cả hai mẫu máy đều có bộ xử lý giống nhau. Việc kìm hãm sức mạnh của Pixel 8 khiến Google bỏ lỡ đi cơ hội chứng minh cho nhiều người dùng thấy rằng phần cứng camera thực sự không quan trọng bằng phần mềm.
Best Take - công cụ Photoshop thu nhỏ
Đã có lúc bạn phải chụp cùng một cảnh với nhiều mức phơi sáng trên điện thoại và sau đó dành chút thời gian trong Photoshop hoặc Lightroom để chỉnh sửa chúng. Tính năng chụp HDR đã giúp bạn làm được điều đó một cách dễ dàng và giờ đây Best Take có thể làm điều tương tự đối với một loạt ảnh của hai người trở lên, ghép khuôn mặt đẹp nhất của mỗi người thành một ảnh.
Cây viết trên trang Android Authority - Rita đã xem lại những bức ảnh trước đây của cô ấy và thấy những bức ảnh chụp nhóm trong đó có một số người bạn của cô không có được khuôn mặt đẹp nhất trong lúc chụp. Rita đã khắc phục những khuôn mặt này chỉ mất chưa đầy một phút, thay vì phải vào photoshop và chỉnh sửa trong vòng một giờ.
Tuy nhiên, tính năng Best Take vẫn chưa thực sự hoàn hảo khi nó không nhận ra được khuôn mặt của Rita trong bức ảnh trên. Bằng một cách nào đó, tính năng này đã xác định rằng người bạn đeo mặt nạ sói màu vàng của Rita có hai biểu cảm khuôn mặt khác nhau trong cả hai bức ảnh.
Ngoài việc bỏ sót một số khuôn mặt trong một vài bức ảnh, nó còn gặp khó khăn khi hợp nhất các khuôn mặt từ các ảnh có cài đặt cân bằng trắng khác nhau (nó không khắc phục được cân bằng trắng) và đôi khi không thể hòa trộn các đặc điểm khuôn mặt một cách chính xác. Vì vậy, rõ ràng, Best Take vẫn chưa thực sự hoàn hảo.
Magic Editor chính là phiên bản nâng cấp của Magic Eraser
Khi Magic Eraser ra mắt trên Pixel 6, Rita đã dành vài giờ để thử nghiệm nó và đẩy nó đến giới hạn. Magic Editor mới có bước tiến vượt bậc vì nó sử dụng AI để đem đến cho người dùng những tùy chọn chỉnh sửa ảnh thông minh.
Magic Editor có thể là được nhiều thứ ngoài việc giúp bạn xóa đi các chủ thể khỏi bức ảnh. Hãy nhìn vào các bức ảnh ở bên dưới để thấy được sự khác biệt. Trong khi Magic Eraser chỉ thay thế các chủ thể đã xóa bằng các đốm màu xếp cạnh nhau, khiến cho chiều sâu bức ảnh bị ảnh hưởng. Trong khi đó Magic Editor có thể làm tốt hơn khi tái hiện tốt chiều sâu trong bức ảnh.
Audio Magic Eraser giúp người dùng loại bỏ tạp âm
Những cải tiến trong khả năng quay video là điều cần thiết để có được video tốt hơn, nhưng khâu xử lý hậu kỳ sau đó cũng vậy. Rita cho biết, cô đã nhiều lần quay được những video thú vị nhưng lại bị “phá hỏng” bởi một tiếng nói của một người đi đường, tiếng gió, tiếng ồn của đám đông hoặc tiếng còi xe. Rita cho biết cô không phải là một chuyên gia về video hay âm thanh nên cô không biết cách khắc phục những điều đó. Vì vậy, Rita thường cắt đi những đoạn video dính tạp âm.
Tuy nhiên, Audio Magic Eraser mới mang đến cho Rita một công cụ mà cô ấy chưa bao giờ nghĩ mình có thể có được. Nó phát hiện và phân tách các âm thanh khác nhau, vì vậy Rita có thể điều khiển âm lượng của chúng một cách riêng lẻ. Trong video nuôi chim ưng bên dưới, bạn có thể nghe thấy lời giải thích của người nuôi chim ưng trong phiên bản gốc. Tốt, nhưng nếu bạn muốn tập trung vào âm thanh thực tế mà con chim ưng tạo ra thì sao? Với Audio Magic Eraser, bạn có thể dễ dàng kéo tiếng của con ưng to lên, tùy thuộc vào mức độ âm thanh mà bạn mong muốn.
Sức mạnh của việc xử lý hậu kỳ so với ảnh chụp ban đầu
Việc cắt xén, xoay và căn chỉnh đã có thể thực hiện được trong nhiều thập kỷ nhưng đa số người dùng đều cố gắng chụp được bức ảnh đẹp mắt nhất, căn chỉnh tốt nhất ngay từ đầu. Tính năng Photo Unblur đã được Google cho ra mắt một năm trước, nhưng nhiều người dùng vẫn khá “rón rén” khi chụp các bức ảnh. Các công cụ chỉnh sửa ảnh khác về độ sáng, vùng sáng và vùng tối đã khá cũ nhưng đa số người dùng vẫn cố gắng để có được bố cục ảnh đẹp nhất, ít phải chỉnh sửa nhất.
Đó là lý do tại sao nhiều người dùng không nghĩ mình sẽ dựa vào quá trình xử lý hậu kỳ để sửa tất cả ảnh và video của mình. Nhiều người dùng hiện nay vẫn chưa có thói quen sử dụng những tính năng chỉnh sửa ảnh thông minh. Đại đa số người dùng vẫn cố gắng căn chỉnh để có thể chụp được những bức ảnh đẹp nhất hoặc quay một đoạn video có ít tạp âm nhất.
Nhưng trên thực tế, bạn không cần phải quá lo lắng về chất lượng những bức ảnh chụp được vì giờ đây bạn đã có những công cụ chỉnh sửa ảnh thông minh và tiện lợi. Google đang nỗ lực thúc đẩy khả năng chỉnh sửa ảnh và video trên các mẫu Pixel, điều này là rất đáng khen ngợi. Có thể trong năm tới, chúng ta sẽ thấy một bước nhảy vọt về phần cứng trên mẫu Pixel 9. Nhiều người dùng cảm thấy hài lòng về “nhịp độ” cải tiến phần cứng và phần mềm đều đặn hai năm một lần, miễn là những cải tiến này thực sự hữu ích trong quá trình sử dụng.
Theo Android Authority