Giới hạn số kênh nước ngoài: Truyền hình trả tiền có mất đi sự hấp dẫn?

Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình sẽ chính thức có hiệu lực ngày 15.3, quy định khống chế giới hạn số kênh truyền hình nước ngoài trên hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền khiến nhiều người dân lo ngại sẽ giảm đi sự hấp dẫn trong khi giá dịch vụ không đổi.

Khách hàng vẫn muốn xem nhiều kênh nước ngoài

Theo Nghị định 06/2016/NĐ-CP quy định, số lượng kênh chương trình nước ngoài khai thác trên hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền không vượt quá 30% tổng số kênh khai thác.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng các kênh nước ngoài của nhiều doanh nghiệp truyền hình cáp địa phương lẫn nhiều “ông lớn” khác đều vượt quá “mốc” này. Đơn cử gói kênh SD của Truyền hình cáp Hà Nội được quảng cáo có tới 74 kênh chương trình nhưng số lượng kênh nước ngoài lên tới 30 kênh chiếm hơn 40% tổng số. Các gói truyền hình cáp của các nhà cung cấp khác với có số lượng kênh từ 70 (với truyền hình analog) - 250 kênh (với truyền hình kỹ thuật số), số lượng kênh nước ngoài cũng ngang ngửa số kênh truyền hình trong nước.

Theo ghi nhận của PV, tại một số kênh truyền hình quốc tế về phim ảnh, thể thao của các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống lẫn nhà cung cấp khởi đầu từ dịch vụ viễn thông đã có ngôn ngữ tiếng Việt dưới dạng thuyết minh hoặc phụ đề. Mặc dù các kênh truyền hình trong nước đã có những bước cải tiến về cả lượng và chất, song người dùng vẫn có xu hướng “chuộng” các kênh nước ngoài hơn.

Chị Nguyễn Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Việc giới hạn số kênh nước ngoài trên truyền hình trả tiền là không cần thiết. Bởi lẽ nếu so sánh nội dung các kênh truyền hình trong nước hiện nay với các chương trình quốc tế, rõ ràng chất lượng chưa cân xứng. Nội dung lẫn cách thức tổ chức chương trình của nước ngoài hấp dẫn và chuyên nghiệp hơn. Khách hàng phải bỏ ra một số tiền nhất định hằng tháng mà vẫn không được xem những kênh mình mong muốn là điều rất thiệt thòi”.

Cần phải quản lý giá dịch vụ truyền hình

Bên cạnh đó, khi nghị định này có hiệu lực, điều mà nhiều doanh nghiệp truyền hình trả tiền quan tâm là Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) sẽ quản lý giá dịch vụ truyền hình theo cơ chế nào để hạn chế tình trạng bán phá giá trên thị trường. Thời gian qua, trước tình trạng cạnh trạnh khốc liệt trên thị trường truyền hình trả tiền với đủ loại chiêu trò khuyến mãi giành giật khách, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) cũng như các doanh nghiệp truyền hình đã liên tục đưa ra đề xuất: Bộ TTTT cần phải quản lý giá dịch vụ truyền hình.

Mặc dù, Bộ TTTT đã có văn bản trả lời về việc dịch vụ truyền hình trả tiền không nằm trong danh mục quản lý giá theo Luật Giá, do đó vấn đề quản lý giá dịch vụ truyền hình sẽ không được đưa vào dự thảo nghị định quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền do Bộ TTTT đang soạn thảo. Dẫu vậy, không chỉ các doanh nghiệp truyền hình cáp nhỏ ở các địa phương lên tiếng xin nhà nước quản lý giá dịch vụ truyền hình mà ngay cả các đàn anh như: SCTV, VTVcab và VTC cũng đề nghị Nhà nước cần thiết đưa ra một mức giá sàn dịch vụ truyền hình.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC vào cuối tháng 12.2015, ông Phan Minh Thế - Giám đốc Công ty VTC dịch vụ truyền hình số (VTC Digital) đã kiến nghị: Bộ TTTT chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét kiểm soát các chương trình khuyến mãi của nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, để đảm bảo chống bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo Lao động