Giáo sư Harvard và lời khuyên cho Việt Nam

Năm 2015 Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 7% thay vì 5,6% như dự báo của Ngân hàng Thế giới nếu Chính phủ xác định rõ mình muốn gì. Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn nhưng nhìn chung thuận lợi vẫn nhiều hơn, cơ hội phát triển tốt hơn.
Một góc thành phố Hồ Chí Minh hiện đại
Một góc thành phố Hồ Chí Minh hiện đại

Đây là câu trả lời của Giáo sư Đại học Harvard  David Dapice khi một khán giả đề nghị ông đưa là lời khuyên đối với Chính phủ Việt Nam tại buổi Toạ đàm “Tình hình kinh tế thế giới và tác động đến Việt Nam” ngày hôm nay, 16-1, do Trường Doanh nhân PACE tổ chức.

Gs. Dapice, một chuyên gia nghiên cứu sâu về Việt Nam và Đông Nam Á, và được biết đến nhiều với tác phẩm do ông chủ biên "Theo hướng rồng bay," cho rằng hiệu quả đầu tư của Việt Nam thấp do bị chi phối bởi các yếu tố chính trị hơn là tính hiệu quả.  

Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam thường đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương dàn trải dựa trên các yếu tố chính trị nhiều hơn là căn cứ vào hiệu quả kinh tế, và chính điều này dẫn đến nguồn vốn được rót không đúng nơi, và dĩ nhiên sẽ không hiệu quả, đồng thời gây ra những hệ luỵ khác.

Những quyết định về chính trị có thể làm hài lòng một số người nhưng sẽ làm nản lòng rất nhiều người vì họ kỳ vọng một sự phát triển mạnh mẽ hơn tương ứng với những gì mà Việt Nam có. “Tôi biết, ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam du học và cân nhắc có nên về quê hương hay không. Khi những người được đào tạo bài bản nhất, những người giỏi nhất đi làm cho các quốc gia khác thì đó không phải là một dấu hiệu tốt lành cho tương lai,” Gs. Dapice phân tích.

Về hiệu quả đầu tư, Gs. Dapice dẫn chứng số liệu từ Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2014, theo đó ngân sách Việt Nam dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng chiếm 12% GDP nhưng mức điểm chỉ được đánh giá 3,5 (trên thang điểm 7), trong khi Indonesia chỉ đầu tư 7% GDP nhưng đạt 4,5 điểm.

“Mỗi năm các bạn có khoảng 48 ý tưởng đầu tư kém hiệu quả, 12 ý tưởng (trong số đó) được phê chuẩn và số còn lại bị từ chối. Từ đó các bạn tự hài lòng là đã xét duyệt rất nghiêm túc và hiệu quả lắm rồi,” Gs. Dapice ví von để nhận xét về câu chuyện đầu tư công tại Việt Nam.

"Năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng tôi đã tư vấn cho chính phủ đừng can thiệp nhiều vào thị trường nhưng ngược lại, các bạn can thiệp rất tích cực và hệ quả là nhiều tiêu cực xảy ra. Các doanh nghiệp nhà nước  (DNNN)  hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn được đặt trọng trách dẫn dắt thị trường," ông nhận xét.

Tại Trung Quốc, khi họ vào WTO, họ mở cửa cho các doanh nghiệp FDI đầu tư vào nhiều lĩnh vực và dùng chính áp lực hội nhập này để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phải tự nâng cao năng lực của mình.

Kể lại chuyện xưa, rồi phân tích Trung Quốc để so sánh, ông Dapice cho rằng Việt Nam phải thay đổi, tránh lặp lại những sai lầm cũ khi TPP sắp được ký kết. “Các bạn không cần DNNN làm những điều không thể, chỉ cần tạo động lực để họ trở nên cạnh tranh hơn,” Gs. Dapice nói.

Theo ông, ngoài sự bất bình đẳng trong sân chơi giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân (DNTN), gần đây ngay giữa các DNTN với nhau cũng nổi lên hiện tượng tương tự đáng quan ngại khi xuất hiện những DNTN thân hữu, có mối quan hệ tốt với các quan chức và nhận được nhiều hậu thuẫn trong hoạt động. Những bất bình đẳng này cần dẹp bỏ và phải tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tham gia.

Cần có cái nhìn tỉnh táo về FDI

Năm nay Việt Nam thu hút số vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài  tăng so với năm trước, và phải chăng "điều này khiến các bạn hài lòng?" Gs. Dapice nêu câu hỏi mang tính cảnh báo. Dữ liệu tại buổi Toạ đàm đã cho thấy câu trả lời khi so sánh việc thu hút vốn FDI tại Việt Nam và phần còn lại của khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, năm 2008, Việt Nam thu hút 20% tổng vốn FDI vào khu vực Đông Nam Á, nhưng tỉ lệ này giảm dần qua các năm và đến năm 2013 chỉ còn được 7%.

Vậy tại sao Việt Nam thu hút FDI kém hơn các quốc gia khác? Nhiều lý do được đưa ra và trong đó có đề cập đến vấn đề Việt Nam thiếu ngành công nghiệp phụ trợ. Để giải quyết bài toán này, Gs. Dapice giới thiệu về trường hợp của Mexico.

“Mexico muốn Nissan đặt nhà máy tại nước họ và họ đã thuyết phục Nissan thành công bằng cách cam kết mời luôn các doanh nghiệp phụ trợ cấp 2 và 3 cho Nissan đi cùng. Mexico hiểu rằng họ không thể ngay lập tức xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ để phục vụ cho yêu cầu sản xuất của Nissan nên chọn giải pháp trung gian, chấp nhận đi từ bước thấp nhất trong chuỗi cung ứng,” Gs. Dapice nói.

Nhìn nhận về cộng đồng kinh tế chung các quốc gia Đông Nam Á sắp đến, ông cho rằng Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn nhưng nhìn chung thuận lợi vẫn nhiều hơn, cơ hội phát triển tốt hơn. Chính Thái Lan hay Malaysia mới là các quốc gia đáng lo lắng bởi chi phí lao động của họ khá cao. Khi cơ hội tiếp cận các thị trường bình đẳng, các nhà đầu tư sẽ chọn nơi có chi phí lao động rẻ hơn.

“Để sử dụng nguồn vốn FDI hiệu quả, điều này phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh và sự khôn ngoan của Chính phủ Việt Nam,” ông nói vào cuối buổi toạ đàm.

David Dapice là giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard. Ông là chuyên gia về kinh tế phát triển tại các quốc gia Đông Nam Á, chủ biên cuốn sách “Theo hướng rồng bay” và tác phẩm gần đây là “Lựa chọn thành công: Bài học từ Đông và Đông Nam Á và tương lai Việt Nam.”

Theo TBKTSG