Giám đốc CIA tiết lộ "nguy cơ thực sự" về việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân năm 2022

Giám đốc CIA William Burns tin rằng vào mùa thu năm 2022, có rủi ro thực sự rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường chống lại Ukraine, mặc dù ông cho biết phương Tây không nên sợ hãi trước những lời đe dọa.

Giám đốc CIA William Burns (Ảnh: CNBC)
Giám đốc CIA William Burns (Ảnh: CNBC)

Tình tiết mới được hé lộ

"Không ai trong chúng ta nên coi nhẹ những rủi ro leo thang", ông Burns cho biết trong một cuộc trò chuyện có sự điều phối với Giám đốc tình báo bí mật của Vương quốc Anh Richard Moore tại một sự kiện do tờ Financial Times tổ chức hôm 7/9.

"Có một thời điểm vào mùa thu năm 2022 mà tôi nghĩ rằng có rủi ro thực sự về việc (Nga) sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật", Burns cho biết. “Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ, và đây là quan điểm của cơ quan tôi, rằng chúng ta sợ hãi một cách không cần thiết bởi điều đó”.

Theo chỉ thị của Tổng thống Joe Biden, ông Burns đã gặp người đồng cấp Nga, Sergey Naryshkin, vào cuối năm 2022 để nhắc lại “hậu quả” của leo thang hạt nhân, giám đốc CIA kể lại. “Chúng tôi vẫn tiếp tục thảo luận rất thẳng thắn về vấn đề đó”, ông Burns cho biết hôm thứ Bảy.

Trong hơn hai năm kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, Điện Kremlin thường xuyên ra tín hiệu rằng họ sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột.

Những ám chỉ đó ngày càng được đưa ra nhiều hơn kể từ khi cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga vào đầu tháng 8, mà trong đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẽ đáp trả bằng một "phản ứng tương xứng".

Ông Burns cho biết cuộc tấn công Kursk đã thúc đẩy tinh thần cho quân đội Ukraine và ngược lại, khiến Điện Kremlin lo ngại: "Nó đã phơi bày một số điểm yếu của nước Nga và quân đội của nước này".

Học thuyết hạt nhân chính thức của Nga mang tính chất phòng thủ và được xây dựng trên nguyên tắc răn đe. Học thuyết này cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác nhằm vào Nga hoặc các đồng minh của Nga, cũng như một cuộc tấn công thông thường đe dọa đến sự tồn tại của nhà nước Nga.

2.png
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov (Ảnh: Reuters)

Cảnh báo từ Moscow

Trước đó, trong tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo Nga có khả năng thực hiện những thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của mình nếu “các hành động leo thang” của Mỹ và các đồng minh thúc đẩy nước này làm như vậy.

Phát biểu với các phóng viên bên lề cuộc họp cấp bộ trưởng BRICS ở Nizhny Novgorod, ông Ryabkov thừa nhận tình hình quốc tế ngày càng trở nên “phức tạp” và không thể loại trừ những thay đổi đối về quan điểm hạt nhân của đất nước ông.

“Những thách thức đang gia tăng do những hành động leo thang và không thể chấp nhận được của Mỹ và các đồng minh NATO chắc chắn đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào để có thể điều chỉnh các tài liệu cơ bản về răn đe hạt nhân sao cho phù hợp hơn với nhu cầu hiện tại”, ông Ryabkov nói.

Nhà ngoại giao từ chối giải thích chi tiết về bản chất chính xác của những sửa đổi tiềm năng, giải thích rằng Moscow không có “thói quen che giấu những loại thay đổi có thể được thực hiện” trước khi đưa ra quyết định thực tế.

Nhận xét này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa nhắc lại lập trường của Moscow về vũ khí hạt nhân như một lựa chọn cuối cùng. Phát biểu trong phần hỏi đáp tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg (SPIEF) tổ chức vào tháng 6, ông nhấn mạnh rằng Nga chưa bao giờ là nước đầu tiên sử dụng luận điệu hạt nhân hung hăng.

Putin giải thích, học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong “các trường hợp ngoại lệ” và tình hình hiện tại không thực sự đủ điều kiện như vậy. Tổng thống bày tỏ hy vọng một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực sẽ không nổ ra, đồng thời nói thêm rằng một cuộc xung đột như vậy sẽ dẫn đến “thương vong vô hạn” cho tất cả mọi người.

Tổng thống Nga cũng cảnh báo các quốc gia NATO ở châu Âu không đưa ra những lời lẽ và hành động ngày càng hiếu chiến, bởi họ chắc chắn sẽ phải chịu tổn thất nặng nề nhất trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân toàn cầu, đồng thời cho rằng Mỹ sẽ không thực sự giúp đỡ họ.

Theo RT, CNBC