Giám đốc Apple: 'Phần mềm cửa sau không giúp chống được tội phạm'

Phát biểu ở CES 2020, bà Jane Horvath, giám đốc cấp cao phụ trách bảo mật toàn cầu của Apple, cho biết hãng này đã thiết kế các thiết bị của mình có tính bảo mật thông tin cá nhân rất cao.

Giám đốc cấp cao của Apple Jane Horvath phát biểu tại hội thảo trong khuôn khổ CES 2020. (Nguồn: Getty Images)

Tại hội chợ điện tử tiêu dùng CES ở Las Vegas năm ngoái, Apple đã thu hút rất nhiều sự chú ý với một tấm bạt quảng cáo rất lớn treo án ngữ trung tâm triễn làm, nơi diễn ra CES, có thông điệp "Chuyện gì xảy ra trên iPhone của bạn, thì vẫn ở trên iPhone của bạn."

Năm nay, thay vì tấm biến quảng cáo, Apple đã lần đầu tiên sau nhiều năm vắng mặt ở CES đã cử bà Jane Horvath, giám đốc cấp cao phụ trách bảo mật toàn cầu của Apple, tham gia hội thảo trong khuôn khổ hội chợ vào thứ Ba 7/1 cùng với các đại diện của Facebook, Procter & Gamble và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ về vấn đề bảo mật dữ liệu và các công cụ mã hóa.

Apple từ trước tới nay luôn thể hiện cách tiếp cận cứng rắng về việc mã hóa thiết bị của mình, hạn chế bên thứ ba, ngay cả các cơ quan thực thi pháp luật bẻ khóa các thiết bị của khách hàng.

Phát biểu tại hội thảo, bà Horvath nhắc lại quan điểm của Apple rằng để bảo vệ dữ liệu của khách hàng trong các trường hợp như điện thoại bị đánh cắp hoặc bị bỏ rơi trong một chiếc taxi và đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng, hãng này đã thiết kế các thiết bị của mình có tính bảo mật thông tin cá nhân rất cao.

Vị giám đốc Apple nói rằng, đối với các điện thoại bị khóa, để truy xuất dữ liệu đã được tải lên máy chủ của công ty, họ sẽ phải xây dựng phần mềm đặc biệt.

Theo bà Horvath, chiếc điện thoại tương đối nhỏ nhưng lại chứa đựng những dữ liệu cá nhân rất nhạy cảm như thông tin sức khỏe, tài chính và chúng lại rất dễ bị mất hay bị lấy trộm. Do đó, Apple cần phải đảm bảo mọi dữ liệu đó sẽ không bị mất nếu xảy ra những tình huống trên.

Bà Horvath cũng cho biết Apple có một đội ngũ làm việc suốt ngày đêm để đáp ứng các yêu cầu từ cơ quan thực thi pháp luật. Nhưng bà cho biết Apple không hỗ trợ xây dựng cái gọi là "phần mềm cửa sau cho phép cơ quan thực thi pháp luật có quyền truy cập vào dữ liệu riêng tư để phục vụ quá trình điều tra tội phạm.

"Xây dựng cửa sau vào mã hóa không phải là cách chúng ta sẽ giải quyết những vấn đề đó", bà Horvath nhấn mạnh.

Năm 2016, Apple đã tạo ra tranh cãi khi từ chối đề nghị của cơ quan thực thi pháp luật trong việc hỗ trợ mở khóa dữ liệu trên iPhone của hung thủ vụ thảm sát ở San Bernadino, California, làm 14 người chết. Ở thời điểm đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện Apple lên tòa án, song không thành công. Sau đó, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) buộc phải thuê một công ty tư nhân bên ngoài mở khóa iPhone.

Mới đây nhất, FBI đã một lần nữa đề nghị Apple hỗ trợ trích xuất dữ liệu từ iPhone của Mohammed Saeed Alshamrani, nghi phạm sát hại ba người vào tháng trước trong một vụ nổ súng tại căn cứ Hải quân ở Pensacola, Florida.

Trả lời phỏng vẫn của hãng tin CNBC về đề nghị trên, một phát ngôn viên của Apple cho biết công ty đang làm việc với các cơ quan chức năng.

"Chúng tôi có sự tôn trọng lớn nhất đối với các cơ quan thực thi pháp luật và luôn hợp tác để giúp đỡ họ trong các cuộc điều tra," - người phát ngôn của Apple cho biết trong một email gửi đến CNBC. "Khi FBI yêu cầu thông tin từ chúng tôi liên quan đến vụ án này một tháng trước, chúng tôi đã cung cấp cho họ tất cả dữ liệu mà chúng tôi sở hữu và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ với dữ liệu chúng tôi có sẵn."

Cũng tại hội thảo hôm thứ Ba, Phó Chủ tịch Chính sách công và bảo mật toàn cầu của Facebook, Erin Egan cũng cho biết mạng xã hội này cũng đang phải đối mặt với áp lực của chính phủ để xây dựng phần mềm cửa sau./.

Theo Vietnam+