Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh:

Giải pháp hội nghị trực tuyến “Make in Vietnam” sánh ngang với sản phẩm nước ngoài

VietTimes – Giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua là cơ hội lớn để Việt Nam thu hẹp khoảng cách công nghệ với thế giới. Về kỹ thuật, các giải pháp trong nước có thể sánh vai với các giải pháp hội nghị trực tuyến tiêu biểu của nước ngoài.
Ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã trao đổi riêng với VietTimes nhân việc Bộ vừa "làm bà đỡ" cho 2 giải pháp hội nghị trực tuyến.

- Việc liên tục cho ra mắt các giải pháp hội nghị trực tuyến “Make in Việt Nam" thời gian qua đã làm cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hết sức hứng thú. Xin ông cho biết những kết quả bước đầu của các giải pháp này?

Ông Đỗ Công Anh: EGOVC Jitsi là giải pháp Cục Tin học hóa đã nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm và cung cấp tại địa chỉ emeeting.mic.gov.vn từ đó giới thiệu đến các cơ quan nhà nước sử dụng miễn phí trong thời điểm giãn cách xã hội, phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, Cục Tin học hóa cũng đã biên soạn các tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật để các cơ quan nhà nước có nhu cầu triển khai riêng trên hạ tầng của mình.

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống của Cục Tin học hóa đã ghi nhận khoảng 65 ngàn lượt sử dụng, 16 ngàn người dùng, 8238 phòng họp đã được tạo ra, thời điểm cao điểm nhất có khoảng 7.056 lượt sử dụng/ ngày. Bước đầu, hệ thống đã đạt được thành công nhất định.

Tuy nhiên, việc cung cấp công cụ họp, hội nghị trực tuyến EGOVC Jitsi nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng đột biến trong giai đoạn dịch, bệnh phức tạp. Về lâu dài, Cục Tin học hóa đóng vai trò định hướng phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng, cung cấp các giải pháp hội nghị trực tuyến “Make in Việt Nam”.

Vì vậy, đến cuối tháng 05/2020, dưới sự dẫn dắt của Cục Tin học hóa, liên minh Comeet là tập hợp của 6 doanh nghiệp (CMC TS, DQN, FDS, iWay, NetNam và CyRadar) đã nghiên cứu, tùy biến bộ mã nguồn mở Jitsi và cung cấp dịch vụ đến các cơ quan tổ chức cá nhân có nhu cầu.

- Nhiều ý kiến băn khoăn 2 giải pháp EGOVC Jitsi và Comeet na ná nhau. Vậy điểm khác nhau giữa hai giải pháp này?

Ông Đỗ Công Anh: Điểm khác biệt của 2 giải pháp này nằm ở phương thức cung cấp

Giải pháp EGOVC Jitsi được Cục triển khai phục vụ nhu cầu của các cơ quan, tổ chức trong mùa dịch trên tinh thần miễn phí. Tuy nhiên, EGOVC Jitsi khó có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu rất lớn của các cơ quan, tổ chức trên cả nước. Vì vậy, giải pháp cũng có thể chuyển giao miễn phí cho những đối tượng có nhu cầu tự triển khai trên hạ tầng riêng. Tuy nhiên, EGOVC Jitsi đòi hỏi các cơ quan, tổ chức đó phải có năng lực CNTT nhất định và tự chủ động vận hành, khai thác.

Khác với giải pháp EGOVC Jitsi, Comeet được liên minh các doanh nghiệp mã nguồn mở Comeet cung cấp cho các cơ quan, tổ chức trên tinh thần làm dịch vụ chuyên nghiệp, có thu phí.

- Theo cá nhân ông đánh giá, gỉai pháp nào được đánh giá là ưu việt hơn và sẻ được người dân đón nhận hơn thưa ông?

Ông Đỗ Công Anh: Như đã trao đổi ở trên, Cục Tin học hóa chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt chứ không phải là nhà cung cấp giải pháp, dịch vụ ra thị trường.

Trong giai đoạn đầu diễn ra dịch bệnh, Cục Tin học hóa dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng, đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và cung cấp EGOVC Jitsi để đáp ứng nhu cầu lớn của cộng đồng. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp hưởng ứng và đã cho ra mắt những giải pháp, dịch vụ hội nghị trực tuyến có chất lượng, phương thức cung cấp linh hoạt, chuyên nghiệp và Zavi và Comeet là 2 trong số đó.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng và các đại diện Liên minh CoMeet nhấn nút chính thức khai trương giải pháp hội nghị trực tuyến Comeet.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng và các đại diện Liên minh CoMeet nhấn nút chính thức khai trương giải pháp hội nghị trực tuyến Comeet.

- Ông có thể tiết lộ về chi phí xây dựng 2 phần mềm nói trên? Mỗi giải pháp dự kiến sẽ thu phí sử dụng của người dùng như thế nào?

Ông Đỗ Công Anh: Các doanh nghiệp đầu tư và các cơ quan nhà nước nếu có nhu cầu thì thuê để sử dụng. Trong đó Giải pháp EGOVC Jitsi được Trung tâm Chính phủ điện tử nghiên cứu, tùy chỉnh trên nền tảng Jitsi và cung cấp miễn phí.

Còn Giải pháp hội nghị trực tuyến do liên minh Comeet xây dựng và cung cấp trên cơ sở các nguồn lực của thành viên trong liên minh (6 doanh nghiệp). Phí sử dụng đã được liên minh Comeet công bố trên website.

Việc miễn phí hay thu phí của người sử dụng sẽ phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, kế hoạch phát triển sản phẩm dịch vụ của từng doanh nghiệp. Về lâu dài, để phát triển bền vững, chắc chắn các doanh nghiệp cần cạnh tranh theo quy luật của thị trường.

- Với nhu cầu của thị trường hiện nay, ông dự đoán khi nào sẽ có các giải pháp mới?

Ông Đỗ Công Anh: Cục Tin học hóa luôn hoan nghênh các giải pháp mới, do doanh nghiệp trong nước làm chủ trên tinh thần “Make in Việt Nam”. Cục sẽ không đầu tư xây dựng các giải pháp mà đứng ở vai trò thúc đẩy sự phát triển, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp trong nước chúng ta có sự nhập cuộc chậm hơn các doanh nghiệp nước ngoài trong việc xây dựng giải pháp hội nghị trực tuyến. Tuy nhiên, giai đoạn dịch bệnh vừa qua cũng là một cơ hội lớn để chúng ta thu hẹp khoảng cách đó. Về kỹ thuật, các giải pháp trong nước đã được Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu có thể sánh vai với các giải pháp hội nghị trực tuyến tiêu biểu của nước ngoài. Cái chúng ta cần tập trung là nâng cao sự chuyên nghiệp khi cung cấp dịch vụ và hỗ trợ người sử dụng. Theo tôi, nhìn chung người Việt Nam vẫn luôn có sự quan tâm, ủng hộ sản phẩm, dịch vụ trong nước, và việc cạnh tranh với các giải pháp hội nghị trực tuyến của nước ngoài là hoàn toàn khả quan.

- Xin cảm ơn ông!