|
Tranh chân dung cố họa sĩ Lê Văn Xương trưng bày tại triển lãm khai mạc chiều 4/10 |
Họa sĩ Lê Văn Xương sinh năm 1917, năm 12 tuổi ông được cha gửi lên Hà Nội đi học, ở cùng người anh rể là họa sĩ La Chấn Hưng. Lê Văn Xương là một trong những họa sĩ nổi danh với tranh phố Hà Nội, nổi bật với thể loại tranh chân dung, phong cảnh bằng phấn tiên và bột màu.
“Tôi đã từng được xem Phố Phái qua những nét gạch, vết cứa, rắn, mạnh, chắc nịch của thứ hội họa cực thực, một Hà Nội đã Phái hóa, thành một bản chất, một sự chống cự, một Hà Nội không khuất phục trước mọi cường lực. Hà Nội Phái là Hà Nội chứa tinh thần bất khuất…
Những hình ảnh Phố Xương hiện ra trước mắt tôi bây giờ, rất hiền lành, nên tôi ngại cái hiền lành này lắm. Phố Xương nhìn qua là hiện thân của Hà Nội bắm sáu phố phường, trải những thăng trầm của lịch sử, từ Thạch Lam đến thời đổi mới…” – Nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật Thụy Khuê viết.
|
Tranh phố Hàng Buồm của họa sĩ Lê Văn Xương (Hình ảnh do nhà sưu tầm Lê Y Lan cung cấp)
|
Trước năm 1954, hiếm có họa sĩ Việt Nam và họa sĩ người Pháp sống tại Việt Nam mà tổ chức được 3-4 triển lãm cá nhân, thì Lê Văn Xương làm được.
Theo tư liệu của nhà sưu tập Lê Y Lan - con gái của họa sĩ Lê Văn Xương - cho biết thì năm 1941, Lê Văn Xương mở triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn. Ngay triển lãm này ông đã bán một số tác phẩm. Năm 1949, ông triển lãm cá nhân tại phòng tranh riêng ở Hà Nội; năm 1951, mở triển lãm cá nhân tại Đà Lạt.
Đáng chú ý nhất, ngày 28/4/1953 Lê Văn Xương mở triển lãm cá nhân "Hà Nội 36 phố phường" tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Cho đến nay, bà quả phụ của họa sĩ Lê Văn Xương và con gái Lê Y Lan vẫn đang lưu giữ cả một gia tài khổng lồ tranh Phố Xương tại Sài Gòn.
Năm ngoái 2018, triển lãm "Điều kỳ diệu" trưng bày tranh Lê Văn Xương đã diễn ra liên tục trong 3 ngày (từ 21 đến 23-9) tại Sài Gòn, nhân dịp kỷ niệm 101 năm ngày sinh cố họa sĩ.
Nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật Thụy Khuê cho rằng: “Lê Văn Xương không để lộ cá tính của họa sĩ, ông tự xóa cá tính của mình đi, để chỉ bộc lộ cá tính của nhân vật và thần khí của bức tranh và ở đây là thần khí đường phố. Ông chú ý đến mọi chi tiết, đến từng động tác của nhân vật, chính những chi tiết nhỏ nhặt ấy đã cấu tạo nên nhân vật, tạo nên hành động của nhân vật. Mỗi nhân vật dù bé, dù xa thế nào, cũng được ông khảo sát rất kỹ các cử chỉ, thái độ của họ: họ kéo xe, họ đi, họ gánh... tất cả mọi động tác của chân, tay, lưng, đầu... dù chỉ có với vài vết bút quét nhanh, phác vội, như vô tình, nhưng đều có ý nghĩa, có chủ đích, đều mang những dấu hiệu chính xác”.
|
Tranh phố của Lê Văn Xương trong bộ sưu tập do con gái Lê Y Lan lưu giữ và cung cấp
|
Họa sĩ Văn Giao sinh năm 1919 tại Hà Nội, có nhiều sáng tác nặng lòng với thủ đô. Thủa nhỏ ông thích vẽ, lớn lên vẽ tranh chuyện cho các nhà in tòa soạn, có thời ông mở nhà in riêng mang tên “Cây Thông”. Hòa bình lập lại, ông vẽ pano, áp phíc tại các rạp chiếu bóng, làm việc tại Sở Văn hóa Hà Nội. Ông là nghệ nhân cây cảnh được phong danh hiệu “Bàn tay vàng”. Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm ông chuyển hẳn sang vẽ tranh lụa và gặt hái được nhiều thành công.
Đối với ông, thiên nhiên là nguồn cảm hứng vô tận, ông vẽ theo cái cảm hứng chứ không phải cái thấy. Do đó, ở tranh ông có cái gì đó vừa thật lại vừa hư. Dù một khóm trúc, một nhành mai hay một cảnh sông núi bao la đều gợi cho ta một thế giới thơ mộng và thanh cao. Năm 1994 ông tổ chức một cuộc triển lãm cá nhân tại Hà Nội. Năm 1999, ông có triển lãm tại gallery Thế Giới.
|
Ông Dương Trung Quốc tới thưởng lãm giai phẩm mùa thu của họa sĩ Lê Văn Xương và Văn Giao
|
|
Rất đông quan khách, gia đình và người yêu nghệ thuật của hai họa sĩ đã tới thưởng thức tranh. Triển lãm sẽ còn kéo dài tới hết ngày 10/10
|