Giải mã bí mật Sân bay Sao Vàng: Bài 2 - Đại công trường dựng lên, máu đào đổ xuống!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bằng sức mạnh lòng dân, trong thời gian 10 ngày Thanh Hóa đã tuyển đủ 1 vạn thanh niên lên công trường, không một ai nghĩ họ đi xây dựng sân bay.
Những TN hơn nửa thế kỷ trước trên công trường 101 giờ mái đầu đã bạc
Những TN hơn nửa thế kỷ trước trên công trường 101 giờ mái đầu đã bạc

Như đã phản ánh ở bài 1, sau khi nhận nhiệm vụ từ Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, trở về Thanh Hóa, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Ngô Thuyền triệu tập ngay hội nghị để triển khai nhiệm vụ tuyển 1 vạn thanh niên đi xây dựng sân bay. Tất cả công việc được lên phương án tỉ mỉ, chu đáo với khí thế lên đường đánh giặc. Trên giao 2 tuần nhưng chưa đầy 10 ngày, 1 vạn thanh niên đã đứng trong đội hình đi làm nhiệm vụ, ai cũng háo hức nghĩ rằng đi B (vào chiến trường miền Nam).

Nhưng không ai ngờ rằng họ đi làm nhiệm vụ vô cùng vẻ vang ngay trên quê hương Thanh Hóa của mình - đi " làm thủy lợi", mật danh xây dựng Sân bay Sao Vàng. Tất cả 1 vạn thanh niên sơ tán ở trong nhà dân các xã lân cận khu vực làm sân bay. Những cán bộ chủ chốt của các đại đội được triệu tập về Khu vực Nông trường Sao Vàng, nay là thị trấn Sao vàng (Thọ Xuân) để trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thuyền gặp gỡ, động viên, giao nhiệm vụ.

Trong buổi nói chuyện, ông Ngô Thuyền nhắc đi nhắc lại nhiều lần tính cấp bách và tầm quan trọng của "công trường thủy lợi" này, đồng thời nhấn mạnh: tuyệt đối giữ bí mật, sớm hay muộn thì địch cũng phát hiện ra và sẽ tập trung đánh phá ác liệt. Vì thế, công trường phải lường trước tình hình, vừa xây dựng, vừa chiến đấu, phải chuẩn bị ngay hệ thống hầm hào giao thông làm nơi trú ẩn mỗi khi máy bay địch oanh tạc...

Thời gian Thanh Hóa tuyển và đưa quân lên công trường cũng là thời điểm TƯ, Bộ Quốc phòng, Bộ GT-VT, Quân chủng PK-KQ và các ngành có liên quan khẩn trương đưa đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, một số sĩ quan có kinh nghiệm xây dựng Sân bay Đa Phúc, Hòa Lạc , cán bộ thiết kế, khảo sát, đo vẽ bản đồ...về Thọ Xuân. với phương châm " vừa thiết kế vừa thi công" các tiêu chí, chất lượng, tiêu chuẩn, hệ số an toàn, khí tượng thủy văn ...phải đảm bảo yêu cầu. Đội ngũ cán bộ TƯ điều động về Sao Vàng cũng với 1 vạn thanh niên hối hả bắt tay ngay vào công việc.

Trong khoảng thời gian kể từ ngày 3 - 4/4/1965, ngày mà quân dân Hàm Rồng bắn rơi 47 máy bay Mỹ, ngày mà 2 biên đội " én bạc" của Phạm Ngọc Lan và Trần Hanh chỉ huy không chiến bắn rơi 4 máy bay địch trên bầu trời Hàm Rồng - Nam Ngạn đến đầu tháng 7/1965, cả "núi" công việc từ TƯ đến địa phương được triển khai vô cùng khẩn trương.

Gần 1 năm trời lao động quên mình cả ngày lẫn đêm trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt, hình hài đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay đã xuất hiện, địch phát hiện ra nên mức độ đánh phá ngày càng dày đặc và ác liệt. Một trung đoàn pháo cao xạ cùng với lưới lửa phòng không địa phương ngoan cường chiến đấu đảm bảo công trường xây dựng không bị ngừng trệ, tê liệt.

Cuối tháng 4/1966, công trường xây dựng Sân bay quân sự Sao Vàng đã hoàn thành giai đoạn 1. Và, cũng từ đây những cánh " én bạc" sẵn sàng xuất kích không chiến với may bay địch.

Chiếc "én bạc" từng không chiến trên bầu trời Hàm Rồng ( 3-4/4/1965) hiện trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa

Chiếc "én bạc" từng không chiến trên bầu trời Hàm Rồng ( 3-4/4/1965) hiện trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa

Trong quá trình xây dựng Sân bay quân sự Sao Vàng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam Vũ Quang đã đến thăm, động viên thanh niên lao động trên công trường. Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô cũng có chuyến thăm và tỏ ra hết sức cảm phục tinh thần quả cảm của cả vạn thanh niên không tiếc xương máu vì nhiệm vụ vinh quang. Sau chuyến thăm, Chính phủ Liên Xô ngay lập tức viện trợ ghi lát đường băng góp phần thúc đẩy tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 nhanh hơn, đồng thời có ghi dự phòng thay thế mỗi khi đường băng sân bay Sao Vàng bị máy bay Mỹ đánh phá.

Thời gian lùi xa hơn nửa thế kỷ, đây lại là công trình quân sự tuyệt mật, bởi vậy mà quá trình "dựng lại" khung cảnh hào hùng của cả vạn thanh niên quê hương đi xây dựng sân bay càng trở nên thách thức: không một mẩu tin, không một dòng nào được ghi lại trong các ấn phẩm báo chí.

Nhưng thân là người lính trải qua chiến tranh, khi biết được công trường xây dựng sân bay quân sự trên quê hương mình hơn nửa thế kỷ qua, tôi bỏ nhiều công sức, dành thời gian nhiều ngày sang Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Thanh Hóa lục tìm tài liệu. Và, cuối cùng tôi cũng tìm ra được bản báo cáo "Sơ kết thi đua sản xuất và chiến đấu năm 1965" của UBHC tỉnh Thanh Hóa dày 19 trang in 2 mặt rất khó đọc. Toàn bộ báo cáo chỉ thấy ghi lại làm thủy lợi với đất đá, bê tông, sắt thép...duy chỉ có câu cuối cùng của báo cáo này là đáng chú ý: "...chúng ta xin hứa với TƯ khẩn trương thi đua sản xuất hoàn thành công trình sớm nhất để đón đàn CHIM BẰNG vào với quê hương Thanh Hóa".

Tại sao làm thủy lợi mà thi đua hoàn thành công trình để đón đàn chim bằng? Tôi mới ngộ ra đích thị đây là báo cáo xây dựng Sân bay Quân sự Sao Vàng!

Bản báo cáo làm thủy lợi (19 trang) nhưng thực chất là xây dựng Sân bay Sao Vàng

Bản báo cáo làm thủy lợi (19 trang) nhưng thực chất là xây dựng Sân bay Sao Vàng

Một công trường cùng một lúc mang 2 mật danh được dựng lên bằng công sức, mồ hôi, xương máu của hơn 1 vạn TNXP, trong đó 57 thanh niên đã anh dũng hy sinh và nhiều người bị thương. Một sân bay quân sự lần đầu tiên do chính người Việt Nam vừa thiết kế vừa thi công trên hậu phương lớn miền Bắc trong điều kiện chiến tranh phá hoại ngày càng khốc liệt. Một công trường ghi dấu ấn như một huyền thoại trong nghệ thuật tổ chức, huy động lực lượng và xây dựng công trình. Một công trường mà Bộ Quốc phòng điều động cả một trung đoàn pháo cao xạ cùng với lực lượng phòng không địa phương bảo vệ. Một công trình được "dựng lên" trong chiến tranh ác liệt và gian khó là sự khởi đầu đầy vinh quang cho căn cứ không quân chiến lược sau này.

Công trình đó xứng đáng là dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam nói chung, quân dân Thanh Hóa nói riêng. Công trường xây dựng Sân bay quân sự Sao Vàng xứng đáng được sử sách lưu truyền, xứng đáng được dựng bia, tạc tượng để ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân và là "pho tiểu thuyết" lịch sử để các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, học tập, phát huy truyền thống trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước...

(Còn tiếp)