“Giải cứu” lợn chưa xong, tiếp tục lo vải quả

VietTimes -- Năm 2017, Bắc Giang ước tính sản lượng vải quả của tỉnh đạt khoảng 100.000 tấn. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu được coi là cũ, Bắc Giang xác định 3 thị trường mới cho sản phẩm quả chiến lược của tỉnh, gồm Trung Đông, Thái Lan, Canada
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Hi vọng vào mất mùa

Đó là thông tin từ Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2017 do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 27/5. Theo thông tin từ UBND tỉnh, sản lượng vải quả năm 2017 của tỉnh chỉ bằng khoảng 70% so với năm trước. Thời gian thu hoạch rộ kéo dài trong khoảng 2 tháng, từ trung tuần tháng 5 đến giữa tháng 7/2017. Trong đó, tỉnh ước tính có khoảng trên 40% sản lượng vải là được trồng theo mô hình VietGap, hoặc GlobalGap.

Nét mới là năm nay, đầu vụ thu hoạch rộ, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị bàn phương án tiêu thụ vải quả của tỉnh, với sự tham gia của bà con nông dân, doanh nghiệp (đương nhiên), và cả đại diện của doanh nghiệp nước ngoài.

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2017 do tỉnh Bắc Giang tổ chức có thể coi là “hội nghị quốc gia” riêng cho quả vải. Vì ngoài Bắc Giang, khu vực phía Bắc còn có một loạt địa phương khác như Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng đều có diện tích khá lớn trồng vải quả.

Sản lượng vải của các tỉnh này ước tính không thua gì sản lượng vải quả của Bắc Giang, nhưng thời gian thu hoạch rộ chỉ chậm khoảng một tháng. Thế nên, vải Bắc Giang bình ổn được đầu ra, cũng có nghĩa vải quả của các địa phương còn lại cũng có cơ hội yên tâm về khả năng tiêu thụ.

Mùa vải năm nay được đánh giá là không thuận lợi. Trước đó, trong giai đoạn ra hoa, thời tiết năm nay không thuận lợi với sinh trưởng của cây vải khiến vải đậu quả thấp, kéo giảm khoảng 40% sản lượng vải thương phẩm so với năm 2016.

Về biện pháp tiêu thụ, Bắc Giang cho biết tỉnh đã được thỏa thuận hợp tác tiêu thụ quả vải của tỉnh trong hệ thống bán lẻ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, cũng như các địa phương bạn.

Về xuất khẩu, năm nay, tỉnh duy trì xuất khẩu vào thị trường truyền thống như Trung  Quốc, một vài thị trường mới mở được vài năm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng được Bắc Giang coi như thị trường truyền thống.

Ngoại trừ sự tự tin ấy, Bắc Giang xác định tiếp tục xúc tiến mở thị trường xuất khẩu vải sang 3 khu vực mới, gồm Trung Đông, Thái Lan, và Canada.

Lo cho được mùa

Ở phía “bên kia”, tất nhiên doanh nghiệp cũng sốt sắng ủng hộ nỗ lực tiêu thụ vải quả của tỉnh. Và trong số các đề nghị hỗ trợ lần nào cũng gặp về thuế, về quảng bá, về giao thông, thông quan, sự mới trong các đề nghị hỗ trợ tiêu thụ vải quả năm nay là do các doanh nghiệp nước ngoài đưa ra.

Cụ thể, đại diện Hiệp hội xuất nhập khẩu hoa quả Bằng Tường thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn nhất của quả vải Việt Nam từ nhiều năm nay - “khuyên” phía Việt Nam nên có phương pháp bảo quản vải thiều với thời gian dài hơn, đồng thời rút ngắn hơn nữa thủ tục thông quan đưa quả vải sang Trung Quốc.

Lý do hoàn toàn không phức tạp, vải quả từ nội địa Việt Nam được thu hoạch, đóng gói, đưa tới cửa khẩu biên giới mới chỉ là khâu đầu của chuỗi phân phối. Sang tới Trung Quốc, thương nhân nước bạn còn phải vận chuyển quả vải tới những nơi xa hơn nữa.

Thế nên, thời gian bảo quản vải quả càng dài, thì sức ép tiêu thụ càng giảm, và lợi nhuận từ quả vải càng ổn định hơn. Dễ thấy yêu cầu này đúng cả với nỗ lực xuất khẩu vải quả tới cả các thị trường khác ngoài Trung Quốc.

Điều dễ thấy nữa là yêu cầu của thương nhân nước ngoài chính là điểm yêu chí tử của hệ thống xuất khẩu nông sản Việt Nam. Từ nhiều chục năm qua, bất chấp tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp thế nào, thì chủ yếu Việt Nam vẫn xuất thô là chính. Từ những sản phẩm xuất khẩu chiến lược như gạo, café, cao su, hồ tiêu đã thế, đến những nông sản mang tính thời vụ như dưa, vải, và gần nhất là lợn, đều có chung tình trạng này.

Thiếu hệ thống sơ chế, lưu trữ khiến sức ép tiêu thụ tập trung vào một thời gian ngắn. Do vậy, thương nhân nước ngoài chỉ “hắt hơi”, cũng có thể khiến cả hệ thống xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam phải chao đảo.

Khi ấy, việc tiêu thụ nông sản lại phải phụ thuộc vào thị trường trong nước, với lời kêu gọi đồng bào tương thân tương ái, kèm theo là giá bán rẻ mạt. Khiến người nông dân dù được “giải cứu”, thì cũng không nhấc chân nổi khó khăn.

Gần nhất, báo chí loan tin Bộ NNPTNT đã đạt được thỏa thuận với phía Trung Quốc về việc nước này sẽ nhập thịt lợn Việt Nam theo đường chính ngạch ngay trong năm 2017, với quy mô khoảng 1 triệu tấn mỗi năm.

Tuy nhiên, ít người chú ý tới yêu cầu phía Trung Quốc về việc nước này chỉ chủ yếu nhập thịt lợn mảnh phía Việt Nam, với yêu cầu chất lượng vệ sinh cao hơn trong thời gian trước. Đó là một thỏa thuận thu mua có điều kiện cao, như là thách đố, hơn là một thỏa thuận làm ăn.

Vì nếu hệ thống sơ chế, kèm theo đó đương nhiên là hệ thống lưu trữ, bảo đảm tiêu chuẩn thịt xuất khẩu phía Việt Nam đã tốt sẵn, thì chẳng đến nỗi Bộ NNPTNT phải sang Trung Quốc cầu cứu phía bạn “giải cứu” lợn nội.

Thực ra, việc hình thành được hệ thống sơ chế, lưu trữ sản phẩm nông nghiệp là điều mà bất kỳ quốc gia nào cũng mong muốn có. Nhưng giữa mong muốn và thực hiện lại luôn là bài toán khó giải, với Việt Nam lại càng không phải ngoại lệ.

Vì với đặc trưng sản xuất mùa vụ, việc xây dựng hệ thống lưu trữ, sơ chế là đi ngược các nguyên tắc kinh tế cơ bản nhất, khi không doanh nghiệp nào đầu tư lớn chỉ để khai thác trong thời gian ngắn thu hoạch mỗi năm. Bình ổn cho sản xuất nông nghiệp suốt hàng chục năm qua vẫn đơn giản là vật lộn giải bài toán đầu ra là vì lý do ấy.

Thế nên, khi chưa tổ chức được hệ thống tiêu thụ trong nước, từ đó ổn định nhu cầu tiêu thụ và làm cơ sở hình thành hệ thống kho lưu trữ, sơ chế, và ổn định giá bán, thì cũng quá khó để mơ "giải cứu" sản phẩm nông nghiệp chỉ nhờ vào thị trường xuất khẩu. 
Câu chuyện về giải cứu thịt lợn chưa kết thúc, mùa thu hoạch vải quả rộ đã bắt đầu. Liệu năm nay, quả vải có phải tiêu thụ nhờ vào những lời kêu gọi hỗ trợ ?