Giá điện chính thức tăng từ 20/3, cao nhất 2.927/kWh, EVN dự kiến thu về thêm hơn 20.000 tỉ đồng

VietTimes -- Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết trong năm 2019, EVN sẽ thu về thêm hơn 20.000 tỉ đồng khi giá điện tăng 8,36%. Số tiền này sẽ được dùng để thanh toán các chi phí đầu vào tăng thêm hằng năm.
Giá điện bán lẻ chính thức được điều chỉnh tăng 8,36% từ ngày 20/03/2019
Giá điện bán lẻ chính thức được điều chỉnh tăng 8,36% từ ngày 20/03/2019

Chiều 20/3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo chính thức công bố điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân năm 2019, với mức  giá mới là1.864,44đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng 8,36% so với mức bán lẻ bình quân hiện hành (1.720,65đồng/kWh)

Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh. Cùng với giá bán lẻ điện sinh hoạt, giá bán buôn với hộ tiêu dùng, thấp nhất 1.646 đồng một kWh cho số điện từ 0 đến 50 kWh và cao nhất 2.871 đồng cho hộ dùng trên 400 kWh.

Tại buổi họp báo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, quyết định có hiệu lực từ ngày 20/3/2019, phương án giá điện năm 2019 đã được xây dựng theo các thông số đầu vào để tính toán giá điện và phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

Theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, với việc điều chỉnh giá điện lần này khách hàng là hộ gia đình sử dụng dưới 50kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng; khách hàng sử dụng 50-100kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng; từ 100-200kWh phải trả thêm 31.000 đồng; 200-300kWh phải trả thêm trung bình khoảng 53.000 đồng.

Tuy nhiên, khách hàng sử dụng điện ở mức thấp chiếm tỷ lệ rất cao. Thống kê cho thấy, sơ bộ trong khoảng 25 triệu khách hàng sinh hoạt trong đó dưới 100kWh vẫn chiếm đa số (chiếm 35,6%), trong khi lượng dùng trên 300 kWh/tháng chỉ chiếm 15% và trên 400 kWh/tháng chỉ 7,9%.

Về tác động tới hộ sản xuất, hiện cả nước có khoảng 1,413 triệu hộ sản xuất, mỗi hộ trả bình quân tiền điện hàng tháng là 12,9 triệu đồng, mức tăng thêm vào khoảng 869.000 đồng/khách hàng sản xuất.

Tại buổi họp báo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri cũng thông tin, trong năm 2019 EVN sẽ thu về thêm hơn 20.000 tỉ đồng khi giá điện tăng 8,36%. Số tiền này sẽ được dùng để thanh toán các chi phí đầu vào tăng thêm hằng năm. Trong đó, chi phí cho than là hơn 7.000 tỉ đồng, chi phí chênh lệch tỉ giá khí trong bao tiêu là gần 6.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, còn phải chi hơn 3.800 tỉ đồng trong số thu thêm nêu trên để thanh toán chênh lệch tỉ giá cho các nhà đầu tư không thuộc EVN. Đồng thời sẽ trích ra để thanh toán bổ sung cho các nhà đầu tư về quyền khai thác nguồn tài nguyên nước.

Trước đó, trả lời VietTimes về đề nghị điều chỉnh tăng giá điện EVN giải thích, năm 2019 giá than trong nước bán cho sản xuất điện đã điều chỉnh từ đầu năm (tăng khoảng 5% đối với TKV, Tổng công ty Đông Bắc); Giá khí trong bao tiêu dự kiến thực hiện theo cơ chế thị trường trong năm 2019; Các nguồn điện có giá thành sản xuất rẻ như thủy điện thì đã khai thác tối đa; Còn các nguồn điện mới có giá thành sản xuất và mua cao (điện mặt trời 9,35 US cent/kWh).

Ngoài ra, năm 2019 dự báo tình hình thủy văn bước vào chu kỳ/giai đoạn khô hạn, chênh lệch tỷ giá của các đơn vị phát điện theo Thông tư số 56/2014/TT-BCT làm chi phí mua điện của EVN tăng cao.