Theo dữ liệu của Coindesk, cập nhật tới 13h05 ngày 28/9 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin giao dịch ở mức 26.414,07 USD/BTC, tăng nhẹ 0,63% trong 24 giờ. Thanh khoản của đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 31,32 tỉ USD, tăng tới 111,22% so với ngày 27/9. Vốn hóa của Bitcoin đạt 515,1 tỉ USD, chiếm 48,8% tổng vốn hóa của thị trường tiền mã hóa.
Vốn hóa toàn bộ thị trường ghi nhận vào thời điểm 13h08 là 1.091,45 tỉ USD, tăng khoảng 7 tỉ USD so với 24 giờ trước. Đồng thời, khối lượng giao dịch trong 24 giờ trên thị trường tăng 24,23% so với ngày 27/9, đạt 27,67 tỉ USD.
Tương tự, nhiều đồng tiền mã hóa khác cũng có xu hướng tăng trong 24 giờ qua. Trong đó, đồng ETH giao dịch ở mức 1.612,14 USD/ETH, tăng 1,25%. Bitcoin Cash (BCH) và Tellor (TRB) - những đồng tiền mã hóa phổ biến khác - cũng đồng loạt tăng.
Vào lúc 13h06, trong 10 đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất, hầu hết đều có xu hướng tăng so với 24h trước đó, chỉ riêng 4 đồng XRP, BNB, LTC và DOGE điều chỉnh nhẹ ở mức 0,5%.
Binance bán mảng kinh doanh tại Nga
Hôm 27/9, Binance cho biết sẽ bán hoạt động kinh doanh tại Nga của mình cho sàn giao dịch mới ra mắt CommEX.
Sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới không tiết lộ chi tiết giá trị của thỏa thuận. Công ty cho biết họ sẽ không chia sẻ doanh thu từ việc bán cổ phần và cũng sẽ không duy trì tùy chọn mua lại cổ phần trong doanh nghiệp.
"Khi nhìn về tương lai, chúng tôi nhận ra rằng hoạt động tại Nga không phù hợp với chiến lược tuân thủ của Binance", Giám đốc Tuân thủ Noah Perlman cho biết. Ông Perlman không nhắc đến cuộc xung đột tại Ukraine trong phát biểu của mình.
Binance cho biết tất cả tài sản của người dùng tại Nga hiện đều an toàn và quá trình chuyển sàn sẽ diễn ra một cách trật tự. Quá trình thoái vốn dự kiến sẽ mất tới một năm, công ty tiết lộ thêm.
Theo thông tin trên website, CommEX là một sàn giao dịch tiền mã hóa tập trung, đứng sau bởi những nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực này. Công ty vừa mới ra mắt sàn giao dịch tiền mã hóa vào ngày 26/9. CommEX không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về thương vụ với Binance.
Nhiều công ty phương Tây, bao gồm cả Renault, Shell, McDonald's và các công ty khác, đã đồng ý bán tài sản ở Nga hoặc giao chúng cho các nhà quản lý địa phương để có hành động tuân thủ các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và đối phó với các mối đe dọa từ Điện Kremlin. Theo đó, các tài sản thuộc sở hữu nước ngoài có thể bị tịch thu.