Ghép 4 quả tim trong 18 ngày: Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ ngày 30/8 đến trưa ngày 16/9, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện 4 ca ghép tim từ người cho chết não. Thực tế, việc thực hiện ghép tạng, đặc biệt là ghép tim trong một thời gian ngắn là không hề đơn giản. Để tìm hiểu rõ hơn về quá trình ghép tim cho những bệnh nhân tại Bệnh viện, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Ảnh: Minh Thúy)
PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Ảnh: Minh Thúy)

PV: Chỉ trong 13 ngày, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công 23 ca ghép tạng. Vậy các bác sĩ đã gặp phải những khó khăn gì trong quá trình ghép tạng cho bệnh nhân thưa ông?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước: Khi tiến hành ghép tạng cho một số lượng lớn bệnh nhân, tôi cùng các đồng nghiệp đã chịu những sức ép nhất định.

Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt đó là khâu tổ chức triển khai. Một ca ghép tạng cũng giống ca phẫu thuật thông thường nhưng lại có những kỹ thuật khó nên quá quá trình chuẩn bị phải cực kỳ cẩn trọng để đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh ở Bệnh viện và thực hiện những ca ghép tạng an toàn.

Cùng với đó, các đơn vị trong bệnh viện phải chuẩn bị trang thiết bị, vật tư kỹ thuật đầy đủ để tiến hành ghép tạng. Khối chuyên môn phải tìm kiếm, lựa chọn và sàng lọc người bệnh nhận tạng chính xác. Không chỉ vậy, chất lượng ghép tạng của nhiều người bệnh phải được đảm bảo như khi ghép cho ít bệnh nhân.

Trong những ngày vừa qua, các đơn vị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã làm rất tốt công tác chuẩn bị để thực hiện 2 ca ghép tạng liên tiếp trong 2 ngày (11-12/9). Hiện, Bệnh viện đã thực hiện ghép thận, ghép gan, ghép tim. Việc ghép phổi chưa triển khai được do Bệnh viện chưa tìm được người cho phù hợp. Cả 4 trường hợp muốn hiến phổi đều có vấn đề nên các bác sĩ không chỉ định hiến.

Đến ngày hôm nay, sức khỏe của tất cả những bệnh nhân được ghép tạng đều ổn định, diễn biến thuận lợi sau hậu phẫu. Riêng những trường hợp sau ghép tim đã có thể đi lại, ăn uống bình thường, giao tiếp tốt.

Video PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước thông tin về quá trình ghép tạng 

PV: Hiện, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện 4 ca ghép tim, trong đó có 3 ca đã thành công, 1 ca đang phẫu thuật. Xin ông chia sẻ về quá trình phẫu thuật cho những bệnh nhân này?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước: Về việc thực hiện ghép tạng ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thì ghép phổi là mới nhất, việc ghép thận, ghép gan đã được các bác sĩ thực hiện nhiều lần. Mặc dù việc tiến hành một ca ghép tạng rất vất vả những công tác chuẩn bị tốt đã góp phần giúp các ca phẫu thuật diễn ra thành công.

Với 3 ca ghép tim thành công và 1 ca đang phẫu thuật, lần đầu tiên Bệnh viện đã thực hiện ghép tim cho nhiều người trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các bác sĩ đã gặp phải những khó khăn nhất định. Điển hình là trường hợp của cháu bé 11 tuổi ở Thái Bình mắc bệnh cơ tim giãn tự miễn, ghép tim cách đây 10 ngày. Bé được chuyển từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để chờ ghép tạng. Khi thực hiện phẫu thuật, các bác sĩ phải đặc biệt cẩn thận vì ghép tim ở trẻ nhỏ khác với ghép tim ở người lớn.

Trường hợp thứ 2 là anh N.Q.T, 33 tuổi, sống ở Thanh Hóa bị suy tim giai đoạn cuối trên nền bệnh cơ tim giãn được phẫu thuật vào ngày 11/9 có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, 2 con nhỏ đã phải chờ rất lâu để được ghép tim. Trong quá trình phẫu thuật, do quả tim của người hiến có kích thước to gấp đôi người bình thường nên các bác sĩ đã gặp khó khăn khi nối cuống tim. Sau phẫu thuật, các sĩ đang tích cực chăm sóc bệnh nhân, đồng thời, phối hợp với Phòng Công tác xã hội để chia sẻ chi phí, trang thiết bị vật tư hỗ trợ cho cuộc sống của người bệnh sau ghép tạng ổn định, đảm bảo chất lượng ghép tạng lâu dài.

Bệnh nhân N.Q.T, 33 tuổi, ở Thanh Hóa đang được chăm sóc tích cực tại Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Ảnh: BVCC)
Bệnh nhân N.Q.T, 33 tuổi, ở Thanh Hóa đang được chăm sóc tích cực tại Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Ảnh: BVCC) 

Chỉ 15 giờ sau khi anh T. được ghép tim, các bác sĩ đã tiếp tục phẫu thuật cho anh N.Đ.D., 52 tuổi, sống ở Thanh Hóa bị suy cơ tim giãn nhiều năm. 3 ngày sau phẫu thuật, anh D. đã tỉnh táo, được rút máy thở, có thể ngồi dậy, ăn uống và nói chuyện, tiếp tục được theo dõi điều trị tích cực.

Còn ca ghép tim thứ 4 mà Bệnh viện thực hiện vào trưa nay là một bệnh nhân lớn tuổi sống trong gia đình có bệnh tim di truyền, người bố đã mất vì bệnh tim. Bệnh nhân đã trải qua quá trình điều trị trong một thời gian dài. Tuy nhiên, khi bệnh bước vào giai đoạn cuối thì biện pháp duy nhất để duy trì sự sống đó chính là ghép tim.

Các bác sĩ thực hiện ca ghép tim thứ 4 trong chiều nay (Ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)
Các bác sĩ thực hiện ca ghép tim thứ 4 trong chiều nay (Ảnh: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

Với hy vọng có thêm cơ hội sống, bệnh nhân đã lặn lội từ miền Nam đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để đăng ký chờ ghép tim. Chỉ 1-2 ngày sau khi đăng ký, bệnh nhân đã nhận được tin vui khi được ghép tạng từ người cho chết não hiến đa tạng, trong đó có tim.

Nguyên tắc ghép tạng đó là chọn nơi ghép gần nhất, an toàn nhất để phẫu thuật cho bệnh nhân nên ngay lập tức các bác sĩ đã chuẩn bị mọi trang thiết bị để tiếp hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

PV: Xin ông cho biết các bác sĩ đã gặp phải những áp lực gì khi ghép tạng cho nhiều người trong một thời gian ngắn?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước: Quả thực các bác sĩ vô cùng vất vả khi thực hiện phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân trong thời gian ngắn. Nếu duy trì liên tục trong vòng 1 tháng thì các bác sĩ có khả năng không “trụ” được.

Chính vì thế, tôi đã động viên các đồng nghiệp rất nhiều để cố gắng giúp bệnh nhân hồi sinh sự sống. Ngoài ra, tôi cũng sắp xếp kế hoạch phân công nguồn lực hợp lý để các bác sĩ hoàn thành tốt công việc.

PV: Từ hàng chục ca ghép tạng thực hiện thành công ở Bệnh viện, ông đánh giá thế nào về tình hình ghép tạng hiện nay?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước: Thời gian qua, số lượng người hiến tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các cơ sở y tế khác đã tăng đột biến. Sau 10 năm triển khai ghép tạng từ người cho chết não, đại đa số các trường hợp hiến tạng chết não đều  từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Nhờ có sự vận động, tổ chức của các đơn vị, 3 năm gần đây số lượng gia đình người bệnh đồng ý hiến tạng sau chết não đã tăng rõ rệt.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang phẫu thuật ghép tim cho bệnh nhân (Ảnh BVCC)
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang phẫu thuật ghép tim cho bệnh nhân (Ảnh BVCC) 

Khi số lượng người hiến tăng thì các bác sĩ phải tận dụng tối đa nguồn hiến, tìm người ghép tạng phù hợp, chuẩn bị sẵn sàng để phẫu thuật hồi sinh sự sống cho bệnh nhân. Thực tế, không phải lúc nào Bệnh viện cũng có đủ người nhận phù hợp nên tạng chưa sử dụng có thể được phân phối qua Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho những đơn vị khác với những bệnh nhân có nhu cầu sử dụng.

Trung bình một ca ghép đa tạng có phổi cần khoảng 300-400 người tham gia, không ghép phổi thì cần 200-300 người để chuẩn bị tất cả các khâu từ chẩn đoán hình ảnh đến xét nghiệm máu,… Do đó, khi thực hiện ghép tạng các bệnh viện đều phải huy động một lực lượng lớn các bác sĩ để phẫu thuật.

Thực tế, mỗi một trung tâm ghép tạng đều có danh sách bệnh nhân chờ, có sự giao lưu, trao đổi với nguồn cung cấp bệnh nhân ở các bệnh viện cần ghép tạng. Khi có người hiến tạng thì các trung tâm có thể tra danh sách để chọn người nhận phù hợp.

+ Cảm ơn ông!