|
Số tiền Gemadept đầu tư sang Campuchia là một phần trong số tiền chuyển nhượng toà nhà Gemadept Tower cuối năm 2013 |
Gemadept sẽ làm gì với 30.000 ha cao su tại Campuchia, khi ngành cao su đang rơi vào khó khăn? Đó là hỏi mà giới đầu tư đặt ra khi công ty này công bố rót tiền thực hiện dự án trồng cao su tại Campuchia vào đầu tháng 1/2015.
Cụ thể, dự án đầu tư trồng và khai thác cây cao su tại huyện Kohgnek, Mondulkiri, Campuchia của Gemadept có tổng vốn đầu tư hơn 27,76 triệu USD. Ðể thực hiện dự án, Gemadept sẽ thành lập Công ty cổ phần Niềm kiêu hãnh Thái Bình Dương và bổ nhiệm ông Ngô Thọ Nguyên làm người đại diện theo pháp luật.
Thật ra, việc đầu tư vào ngành cao su của Gemadept đã được biết đến từ trước đó, nhưng động thái mới nhất này của Công ty vẫn khiến cho nhà đầu tư khá bất ngờ. Bởi quyết định được đưa ra trong bối cảnh thị trường cao su đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất từ trước đến nay.
Thống kê trên thị trường hàng hóa quốc tế cho thấy, mức giá các loại mủ cao su vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Ở sàn giao dịch hàng hóa Singapore, giá mủ cao su RSS3 (loại phổ biến nhất) đã giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Ðây là mức giảm cao nhất trong số các loại hàng hóa, theo thống kê về chỉ số hàng hóa tháng 10.2014 của The Economist.
Trong khi đó, ở thị trường trong nước, theo Bộ Công Thương, giá cao su xuất khẩu của nước ta trong những năm gần đây liên tục “xuống dốc không phanh”. Năm 2014 cũng là một trong những năm khó khăn nhất của ngành cao su trong nước, chứng kiến giá cao su thấp nhất trong 5 năm qua khi chạm đáy với giá 1.500 USD/tấn.
Mặc dù đã suy giảm khá sâu so với thời hoàng kim là năm 2010, nhưng theo dự báo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, năm 2015 sẽ là năm tiếp tục khó khăn của ngành cao su khi lợi nhuận từ cây cao su sẽ không nhiều, thậm chí là không có. Theo dự báo của tập đoàn này, giá cao su trên thị trường năm 2015 sẽ ở mức 31.000 đồng/kg, trong khi giá sản xuất là 30.000 đồng/kg.
Thực tế này khiến hầu hết các doanh nghiệp sản xuất cao su như Phước Hòa, Cao su Đồng Phú, Cao su Tây Ninh đều phải viết lại kế hoạch kinh doanh theo chiều hướng giảm doanh số và lợi nhuận. Trong khi đó, các doanh nghiệp mới bắt đầu tham gia vào sân chơi này cũng phải điều chỉnh lại kế hoạch hoặc rút lui.
Hoàng Anh Gia Lai là ví dụ. Hồi đầu năm 2014, tập đoàn này cho biết chưa có ý định phát triển thêm diện tích cao su trong các năm tiếp theo. Hiện Hoàng Anh Gia Lai đã trồng được 44.500 ha cao su, trong khi kế hoạch trước đó là 51.000 ha.
Thay vì đẩy mạnh trồng cao su, Hoàng Anh Gia Lai sẽ thực hiện chiến lược đa dạng hóa cây trồng theo hướng trồng thêm các loại cây khác là mía đường, bắp, cỏ và đặc biệt là cọ dầu. Tập đoàn này bắt đầu trồng thử nghiệm cây cọ dầu từ năm 2012 với diện tích 4.000 ha, đến nay đã trồng được 12.300 ha. Quy mô cọ dầu của Hoàng Anh Gia Lai dự kiến lên đến 30.000 ha vào năm 2015, chủ yếu nằm ở Campuchia.
Vì sao Gemadept tiếp tục công bố đầu tư vào cao su trong khi các ông lớn khác đã bắt đầu dừng lại?
“Việc công bố những thông tin đầu tư vừa qua chỉ là thủ tục để hợp thức hóa cho việc đầu tư của Gemadept từ trước đến nay”, ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc Gemadept, trả lời NCĐT.
Theo ông Minh, việc thành lập công ty Công ty cổ phần Niềm kiêu hãnh Thái Bình Dương là để quản lý dự án cao su đã được Gemadept khai thác từ năm 2011 đến nay. Hiện Gemadept đã khai hoang được gần 10.000 ha và trồng được gần 8.000 ha cao su. Số tiền 27,7 triệu USD là chi phí mà Gemadept đã gỉai ngân cho dự án này.
Năm 2012, trong một lần trả lời phỏng vấn của NCÐT, ông Minh, Gemadept, từng cho biết nếu kiên định theo đuổi ngành nghề kinh doanh lõi là cảng biển và logistics thì mục tiêu tăng trưởng vài chục phần trăm mỗi năm là rất khó. Thế nên, để đảm bảo tăng trưởng cao thì Gemadept chỉ còn cách đi trồng cao su.
Đi theo chiến lược này, ngay từ năm 2007, ban lãnh đạo Gemadept đã sang Campuchia để tìm quỹ đất. Sau hơn 5 năm theo đuổi dự án, Gemadept đã được phía Campuchia cấp đất tô nhượng kinh tế với diện tích gần 30.000 ha tại địa bàn xã Royor, huyện Kohgnek, tỉnh Mondulkiri.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, cách làm mà ông Minh từng cho là “ổn nhất” đã không còn “ổn”. Và câu hỏi đặt ra cho ông Minh và ban lãnh đạo Gemadept là liệu họ sẽ tiếp tục theo đổi cuộc chơi với cao su hay không?
“Song song với việc trồng cao su ở những khu vực đất đã được khai hoang, hiện Gemadept cũng đã mời chuyên gia nông nghiệp Israel khảo sát và tiến hành trồng thí điểm một số loại cây ngắn ngày khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng không loại trừ khả năng sẽ tái cấu trúc lĩnh vực này”, ông Minh chia sẻ.
Theo đại diện Công ty, khu đất mà Gemadept đang sở hữu rất có giá trị. Khu đất này có diện tích 300 km vuông liền lạc thành một thửa và không bị chia cắt. Đây là một lợi thế giúp chủ đầu tư có thể sản xuất với quy mô lớn, tập trung và thuận tiện cho việc đảm bảo an ninh. Ngoài ra, dự án của Gemadept còn có mặt tiền là đường quốc lộ 78 chạy ngang qua khu đất, rất thuận tiện cho giao thông tại các nông trường.
Một yếu tố khác cũng rất quan trọng, theo ông Minh, chính là việc Gemadept đã hoàn thành được thủ tục pháp lý quan trọng và đã nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2013. Cho tới nay, Gemadept là một trong số rất ít các công ty Việt Nam và cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Campuchia được cấp chứng nhận này.
Rõ ràng, trước tình hình Chính phủ Campuchia ngưng cấp đất cho các công ty nước ngoài, việc nắm trong tay một diện tích đất lớn là tài sản không hề nhỏ của Gemadept. Theo ông Minh, đây là loại tài sản mà nhiều nhà đầu tư Trung Quốc, Malaysia và Singapore rất thèm muốn.
“Hiện đang có khá nhiều nhà đầu tư theo đuổi, tuy nhiên mức giá mà các đối tác đưa ra vẫn chưa như kỳ vọng của Công ty. Nếu có tái cấu trúc thì chúng tôi cũng sẽ chỉ tái cấu trúc từng phần để giúp đối tác hoàn thành những thủ tục theo trình tự”, ông Minh cho biết.
Theo Đầu tư