Geert Wilders - Trump của Hà Lan

Mọi người gọi ông là "Trump của Hà Lan" – bởi ông có mái tóc vàng óng, bồng bềnh, đam mê Twitter và dùng những lời hùng biện cháy bỏng chống lại người nhập cư. Các cuộc thăm dò cho thấy, đảng Tự do của ông (PVV) sau cuộc bầu cử hôm nay (15/3) có thể trở thành một trong những đảng lớn nhất trong Quốc hội
Geert Wilders - Trump của Hà Lan
Geert Wilders - Trump của Hà Lan

Mọi người gọi ông là "Trump của Hà Lan" – bởi ông có mái tóc vàng óng, bồng bềnh, đam mê Twitter và những lời hùng biện cháy bỏng chống lại người nhập cư.

Nhưng bất chấp vẻ tương đồng bề ngoài, giữa ông và Trump có sự khác biệt rất rõ rệt, và dù cho Dân biểu Geert Wilders vẫn là một bí ẩn đối với nhiều người, đã từ lâu ông là cái gai trong mắt các thiết chế chính trị ở Hà Lan.

Các cuộc thăm dò cho thấy, đảng Tự do của ông (PVV) sẽ nổi lên sau cuộc bầu cử hôm thứ Tư như là một trong những đảng lớn nhất trong Quốc hội.

Nếu điều đó xảy ra, Wilders có thể đem lại một kết quả tốt nhất cho Đảng do ông thành lập năm 2006, sau khi chia tay với Đảng Tự do trung hữu - đối tác cầm quyền trong liên minh.

Trong trường hợp Wilders có thể chiếm được đa số ghế, các đảng khác thề làm nhục ông, đưa ông vào thế không thể hình thành một liên minh nào. Tuy nhiên, dù xảy ra kịch bản đó, Wilders vẫn là thế lực đối lập có tiếng nói mạnh mẽ.

Wilders đã nhiều lần nói rằng, ông tin là mình đang thực hiện sứ mệnh ngăn chặn "Hồi giáo hóa" phương Tây.

“ Tôi không nói rằng người Hồi giáo là người xấu hay là những kẻ khủng bố, điều đó thật ngớ ngẩn, nhưng tôi tin rằng ở bất kỳ một nước nào mà Đạo Hồi là áp đảo…thì ở đó sẽ hoàn toàn không có tự do, dân chủ, thượng tôn pháp luật, xã hội dân sự” – Ông Wilders nói với phóng viên AFP năm ngoái.

Đam mê chính trị

Cương lĩnh của Đảng Tự do chỉ gồm một trang giấy, hứa hẹn sẽ đóng cửa biên giới với các quốc gia có người Hồi giáo nhập cư, cấm kinh Korran và đóng cửa tất cả các thành đường Hồi giáo.

Lập trường không khoan nhượng này đã làm cho Wilders trở nên nổi tiếng trên trường quốc tế và là đối tượng bị dọa giết. Tên ông có trong danh sách của Al Queda và cả chục năm nay phải sống trong một ngôi nhà an toàn của chính phủ, với những căn phòng bí ẩn, được bảo vệ 24/24.

Dân chúng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Hà Lan tập trung đấu tranh phản đối ở Rotterdam  ngày 11/3/2017)(AFP PHOTO / Emmanuel DUNAND)

Vừa bị nguyền rủa, đồng thời lại được ủng hộ, ông là nhân vật gây chia rẽ tại Hà Lan, đất nước trong thời gian dài vẫn tự hào về tính khoan dung nay đang dần phai nhạt. Sinh năm 1963 ở tỉnh Venlo, miền Nam đất nước, gần biên giới Đức, Wilders lớn lên trong một gia đình với một anh trai và hai chị gái.

Khoảng vào năm 1980, Wilders  bắt đầu quan tâm đến chính trị. Paul, anh trai ông, mới đây đã kể cho tạp chí Der Spiegel một số thông tin về Wilders.

“Lúc đó, chú ấy không thể hiện rõ là phái tả hay hữu, cũng không phải là người bài ngoại. Nhưng chú ấy đam mê cuộc chơi chính trị, đấu tranh giành quyền lực và ảnh hưởng” – Paul Wilders nói.

Có vẻ như sự thù ghét Đạo Hồi trong con người Wilders hình thành một cách từ từ. Ông đã đến Israel, sống trong những khu định cư, chứng kiến sự căng thẳng với người Palestine.

Ông cũng bị sốc bởi các vụ ám sát lãnh tụ cực hữu Pim Fortuyn vào năm 2002 và Theo van Gogh - nhà làm phim có quan điểm cực đoan chống đạo Hồi  năm 2004.

" Khi nghe tin về vụ Van Gogh bị sát hại, tôi nhớ rằng chân tôi run lên vì bị sốc phẫn nộ” – ông viết trong cuốn sách xuất bản năm 2012 – “ Tôi có thể nói một cách trung thực rằng, tôi chỉ cảm thấy giận dữ, không phải là sợ hãi”.

Sự kỳ thị

Theo thời gian, giọng điệu của ông ngày càng cứng rắn hơn. Ông đã thề sẽ không im lặng mặc dù năm ngoái bị cáo buộc tội phân biệt đối xử về những lời nhận xét của ông về các công dân Hà Lan gốc Ma rốc.

Thật vậy, cuộc xét xử ầm ĩ tại tòa án đã càng tạo điều kiện cho ông khẳng định tầm nhìn của mình: chỉ vài tháng sau đó là xảy ra hiện tượng Brexit và Donald Trump chiến thắng trong cuộc đua tổng thống Mỹ.

Lãnh tụ Đảng Tự do cực hữu Geert Wilders được cảnh sát bảo vệ khi gặp những người ủng hộ ông ở Heerlen ngày 11/3/2017.  (AFP PHOTO / JOHN THYS)

Là một bậc thầy về thao túng các phương tiện truyền thông, Wilders luôn sẵn lòng gửi các dòng tweet trực tiếp tới những người ủng hộ mình.

Ông nắm bắt ngay sự cố căng thẳng ngoại giao vừa xảy ra hồi cuối tuần với Thổ Nhĩ Kỳ, làm cho lời kêu gọi của ông đóng cửa biên giới vẫn có tính thời sự.

Wilders từng là khách tại Đại hội Đảng Cộng hòa đề cử ông Trump vào năm ngoái, và thêm nữa, quỹ vận động tranh cử của ông đã nhận được nguồn tài trợ lớn nhất là từ nhân vật cánh hữu tích cực của Mỹ - đó là David Horowitz, với số tiền đóng góp lên đến 130.000 euro trong hai năm 2015 - 2016.

Mặc dù ít ngày trước, Wildsers dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, những ngày cuối cùng, ông bị  tụt lại sau, với khả năng giành được từ 19 đến 22 ghế, thấp hơn so với Thủ tướng đương nhiệm Mark Rutte và đảng Tự do bảo thủ của ông này.

Wilders tham gia chính trường từ năm 1988 trong đội ngũ của Đảng Tự do VVD của Rutte, giữa hai người đã có thời gần gũi, nhưng giờ đây đã không còn tình nghĩa nữa.

Năm 2012, Wilders rút sự ủng hộ đối với liên minh của Rutte, gây nên sự sụp đổ của Chính phủ. Rutte thề sẽ không bao giờ làm việc cùng Wilders nữa.

Một số nhà quan sát coi Wilders là một nhân vật bị cô lập. Ông lấy một người phụ nữ Hungary nhưng hai người không có con. Đảng của ông chỉ có một người: đó là chính ông. Viêc ông luôn được canh chừng cẩn mật nghĩa là ông có rất ít liên hệ với thế giới bên ngoài.

“Thế giới của Geert đã trở nên rất nhỏ bé” - người anh của ông nói với tạp chí Spiegel. “Nó chỉ có vài thứ: quốc hội, sự kiện công chúng và căn hộ. Chú ấy chẳng thể đi đâu ngoài những chỗ đó".

Theo The Times of Israel