GDP Quý I/2020 của Việt Nam vẫn tăng 3,82%, lạm phát bắt đầu giảm nhiệt

VietTimes -- Số liệu của Tổng Cục thống kê cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã có nhiều tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc Việt Nam không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.
Tăng trưởng GDP Quý 1/2020 của Việt Nam thấp hơn so với các năm gần đây vì dịch Covid-19, song vẫn là "điểm sáng" nếu so với nhiều nước trên thế giới (Nguồn: GSO)
Tăng trưởng GDP Quý 1/2020 của Việt Nam thấp hơn so với các năm gần đây vì dịch Covid-19, song vẫn là "điểm sáng" nếu so với nhiều nước trên thế giới (Nguồn: GSO)

Tổng Cục Thống kê vừa công bố số liệu cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08% (đóng góp 0,2%).

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% (đóng góp 58,4%), với động lực chính là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 7,12%).

Khu vực dịch vụ tăng 3,27% (đóng góp 41,4%). Trong đó, các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,52%; khu vực dịch vụ chiếm 43,71%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,66%

(Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 10,15%; 35,31%; 43,99%; 10,55%).

“Ở trong nước, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu là phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân thì nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để đẩy lùi dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh” - Tổng Cục thống kê đánh giá.

Nguồn: GSO
Nguồn: GSO

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Tổng Cục thống kê cho biết ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào là những nguyên nhân chính làm chỉ số CPI tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước. Đây là chỉ số CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Các doanh nghiệp vẫn lạc quan giữa tâm dịch Covid-19

Số liệu của Tổng Cục thống kê cho thấy, trên góc độ sử dụng GDP quý I/2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,07% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư tăng 2,92% (cùng kỳ năm trước tăng 7,22%); tích lũy tài sản tăng 2,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,59%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,05%.

Trong quý I/2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng Cục thống kê thực hiện cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II khả quan hơn quý I.

Hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra kém sôi động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nguyên nhân là do người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình.

Số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý I/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2020 đạt mức tăng khá 13,2% kế hoạch năm mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công” - Tổng Cục thống kê đánh giá.

Nguồn: GSO
Nguồn: GSO

Kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ.

Ttổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%; xuất siêu quý I năm nay ước tính đạt 2,8 tỷ USD.

Theo Tổng Cục thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2020 cho thấy:

Có 20,9% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 tốt hơn quý IV/2019; 42% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 37,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Dự kiến quý II/2020 so với quý I/2020, có 38,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 25,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định./.